Triển vọng quan hệ Mỹ - Trung từ cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến

(VOV5) - Trong bối cảnh đối đầu gay gắt, việc cuộc họp được tiến hành theo hình thức trực tuyến cho thấy cả hai bên vẫn có nhu cầu đối thoại và có thể đối thoại với nhau.  

Sáng 16/11 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên theo hình thức trực tuyến. Diễn ra giữa bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang trong tình trạng đối đầu gay gắt trên hàng loạt vấn đề, cuộc họp được nhận định khó có thể tạo đột phá lớn, song là bước đi cần thiết tạo sự ổn định ở mỗi quốc gia và môi trường phát triển chung.

Trước khi trở thành Tổng thống Mỹ (tháng 1/2021), ông Joe Biden đã nhiều lần gặp gỡ ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ, ông Joe Biden mới chỉ hai lần trao đổi qua điện thoại, chưa từng hội họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vì lẽ đó, cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Trung ngày 16/11 được dư luận hai nước cũng như quốc tế đặc biệt quan tâm.

Bối cảnh nhiều thách thức

Hội đàm thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra tại thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang được đánh giá là ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua. Sự lao dốc quan hệ Mỹ-Trung bắt đầu và diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn lãnh đạo nước Mỹ của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump. Khi trở thành Tổng thống Mỹ (1/2021), ông Joe Biden tiếp tục coi Trung Quốc là thách thức hàng đầu của Mỹ, đồng thời ra sức tập hợp liên minh đối phó, thể hiện rõ nhất qua chuyến thăm lịch sử đến châu Âu hồi tháng 6.

Trước cuộc họp thượng đỉnh, hôm 13/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nghiêm khắc cảnh báo mỗi bên về một trong những chủ đề bất đồng nhất hiện nay giữa hai bên là vấn đề Đài Bắc-Trung Hoa. Trong đó, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nêu ra quan ngại của phía Mỹ về việc Trung Quốc “gây sức ép về quân sự, ngoại giao và kinh tế” đối với Đài Bắc-Trung Hoa. Đáp lại, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rõ hành động của Mỹ được coi là ủng hộ “sự độc lập của Đài Bắc-Trung Hoa” và “rất nguy hiểm”.

Hai bên còn đang đối đầu căng thẳng về nhiều vấn đề nữa. Trong đó, Trung Quốc đã phản ứng gay gắt trước việc Mỹ thành lập liên minh AUKUS với hai đồng minh là Anh và Australia hồi tháng 9 vừa qua, cũng như việc Washington tăng cường tiếp xúc với các đối tác quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á. Trong khi đó, cuộc tranh chấp thương mại kéo dài nhiều năm qua giữa hai bên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cùng với đó là câu chuyện về nhân quyền, tự do hàng hải trên biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Chưa hết, cả hai nhà lãnh đạo cũng đang đứng trước áp lực các vấn đề nội tại mà người dân trong nước quan tâm. Với nhà lãnh đạo Mỹ, đó là cần lôi kéo sự ủng hộ của những cử tri theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ năm 2022, xa hơn là cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Còn với nhà lãnh đạo Trung Quốc, áp lực là cần thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm tới.

Rõ ràng, bối cảnh đặc biệt này đặt ra thách thức lớn đối với triển vọng cải thiện quan hệ Mỹ-Trung trong ngắn hạn.

Bước đi cần thiết

Mặc dù vậy, cuộc họp thượng đỉnh trực Mỹ-Trung ngày 16/11 vẫn được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, là bước đi cần thiết đối với tương lai quan hệ hai nước. Trước hết, trong bối cảnh đối đầu gay gắt, việc cuộc họp được tiến hành theo hình thức trực tuyến cho thấy cả hai bên vẫn có nhu cầu đối thoại và có thể đối thoại với nhau. Thứ hai, qua đối thoại, hai bên hiểu hơn về lập trường, quan điểm cũng như yêu cầu và nhu cầu của nhau, từ đó có căn cứ điều chỉnh hành vi, phương thức ứng xử, tránh những bước đi có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Và trên thực tế, dù tuyên bố cứng rắn, song giới chức hai nước vẫn khẳng định mong muốn đối thoại và hợp tác. Ngay trước hội đàm, Thư ký báo chí Nhà Trắng (Mỹ) Jen Psaki cho biết, hai nhà lãnh đạo "thảo luận về những biện pháp giải quyết sự cạnh tranh giữa hai nước một cách trách nhiệm, cũng như biện pháp hợp tác vì lợi ích chung". Về phía Trung Quốc, trong thông điệp gửi đến buổi tiệc thường niên của Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung (NCUSCR) tại New York mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác với Mỹ trên các lĩnh vực để cùng ứng phó với các vấn đề khu vực và quốc tế lớn, cũng như các thách thức toàn cầu, đồng thời kiểm soát ổn thỏa bất đồng, thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ trở lại đúng hướng. Một ví dụ khác là tại Hội nghị COP26 vừa kết thúc tại Anh, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được đồng thuận và ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu.

Rõ ràng, nhu cầu và khả năng đối thoại, hợp tác Mỹ-Trung là cần thiết. Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là hai bên có đủ niềm tin xóa nhòa bất đồng để hợp tác cùng phát triển, vì lợi ích mỗi bên và vì cộng đồng quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác