FTA triển vọng mới cho quan hệ Việt Nam - EU

(VOV5) - Vòng đàm phán thứ sáu về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa kết thúc cuối tuần qua, tại thủ đô Brussels (Bỉ), với 12 nhóm đàm phán về nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo nhận định của cả hai bên, tổng thể thì với lần này, hai bên đã xác định được lộ trình đi đến kết thúc đàm phán vào tháng 9 năm nay. Đây được xem là bước tiến hết sức tích cực, mở ra triển vọng hợp tác mới trong quan hệ giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới.

FTA triển vọng mới cho quan hệ Việt Nam - EU - ảnh 1

Theo trưởng đoàn đàm phán Việt Nam và EU, mặc dù còn một số vấn đề tồn tại như mở cửa thị trường dịch vụ, thị trường mua sắm chính phủ… nhưng tại vòng đàm phán lần này, với độ tin cậy chính trị cao, hai bên đã tìm được tiếng nói chung, đảm bảo được sự cân bằng tổng thể giữa quyền lợi của Việt Nam với quyền lợi của EU. Dù việc ký kết Hiệp định FTA còn phải phụ thuộc rất nhiều vào công việc kỹ thuật, pháp lý trong thời gian sắp tới nhưng khả năng rất cao là FTA Việt Nam - EU sẽ được hoàn tất trong năm nay. Việc ký kết FTA chắc chắn sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác cao hơn giữa hai bên.


Khu vực mậu dịch tự do đầy tham vọng


Tháng 8/2012, Việt Nam và EU khởi động phiên đàm phán FTA đầu tiên. Qua gần 2 năm, với 6 lần đàm phán trực tiếp, những vấn đề gai góc nhất để đi tới một khu vực mậu dịch tự do được trao đổi thẳng thắn và đảm bảo cân bằng tổng thể giữa quyền lợi của hai bên. Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Francs Jensen nhấn mạnh: "Vấn đề chủ chốt là hai phía xác định được tham vọng nhất định, cùng chia sẻ tham vọng đó về một khu vực tự do mậu dịch trong tương lai. Tất nhiên trong quá trình đàm phán, EU cũng hiểu rằng Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển và EU có tính đến yếu tố này".


Việt Nam là đối tác thứ ba ở ASEAN mà EU đàm phán FTA, còn EU là đối tác lớn đầu tiên mà Việt Nam đàm phán FTA. FTA được ký kết sẽ tạo cơ hội cho cả hai bên, Với Việt Nam, FTA sẽ giúp xóa bỏ các rào cản thương mại quan thuế và phi quan thuế, tạo thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung. Hiện nay, chỉ có khoảng 42% xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng  thuế suất 0%. Nếu FTA được thực hiện, tỷ lệ này có thể tăng lên 90%. Bên cạnh đó, cùng với quá trình đàm phán FTA, EU sẽ đẩy nhanh việc công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong đấu tranh với các hình thức bảo hộ thương mại như thuế chống bán phá giá. Ngược lại với EU, FTA sẽ giúp các nhà đầu tư EU có một môi trường thông thoáng, mở cửa hơn, nhất là những lĩnh vực EU có nhiều thế mạnh. Đại sứ Francs Jensen cho rằng: "Đàm phán FTA đem lại lợi ích không chỉ cho Việt Nam mà cả Châu Âu. Cả hai phía đều là những đối tác tốt của nhau cho nên cả hai đều cần phải hướng tới một khu vực tự do mậu dịch có tham vọng hơn, đem lại lợi ích cao hơn cho cả hai bên. Vì vậy không nên để những hạn chế ràng buộc mang tính ngắn hạn, bởi FTA không chỉ để dành cho năm nay, cho sang năm sau, năm sau nữa mà cả một giai đoạn dài, mang tính phát triển bền vững cho cả hai phía".


Triển vọng lớn cho hợp tác song phương


Năm 2013, dù kinh tế khu vực Liên minh châu Âu (EU) chưa phục hồi nhưng kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – EU vẫn đạt trên 30 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm giày da, dệt may, cà phê, thủy sản, đồ nội thất da. Đồng thời, nhập khẩu từ EU chủ yếu các sản phẩm công nghệ cao như máy móc, thiết bị điện, máy bay, ô tô, xe máy, dược phẩm, sắt và thép. Với triển vọng ký kết FTA hiện nay, các doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội lớn gia tăng xuất khẩu. Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Phạm Sanh Châu tin tưởng cho rằng: "Bất chấp khủng hoảng nhưng xét về thương mại song phương Việt Nam-EU không bị ảnh hưởng, thực tế năm nay còn chứng kiến sự tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU và ngược lại. Với những con số tăng trưởng ấn tượng trong thương mại như vậy nên càng muốn sớm đi đến ký kết FTA. Đàm phán FTA đòi hỏi hai bên phải dũng cảm. Khi quan hệ chính trị tốt đẹp thì không có lý do gì đàm phán không đi đến thành công".


Liên minh Châu Âu sau khi thông qua Hiệp ước Lisbon năm 2009 thì đang hướng tới trở thành một mô hình Nhà nước liên bang gồm 28 quốc gia, nâng cao tính hội nhập của mình. Trong chính sách đối ngoại của mình, EU quan tâm hơn đến địa bàn ASEAN, trong đó có Việt Nam.


Đáng chú ý, từ năm 2013, các quốc gia trong khối EU đã bước đầu vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế, dần dần ổn định, có tăng trưởng, giải quyết được việc làm và tình trạng thất nghiệp. Do đó, năm 2014 đang được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại ở khu vực này. Trên nền tảng quan hệ hợp tác tốt đẹp sẵn có, việc sớm hoàn tất đàm phán và ký kết FTA, sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng thương mại-đầu tư giữa Việt Nam-EU phát triển trong những năm tới./. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác