Giá trị trường tồn của Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945

(VOV5) - Sau hơn ¾ thế kỷ với hàng loạt biến động, thăng trầm của lịch sử, Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 vẫn vẹn nguyên giá trị bất hủ về tự do và độc lập dân tộc.

Đúng 76 năm về trước, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh ý nghĩa đặc biệt là tuyên bố với thế giới về sự ra đời của một nước Việt Nam độc lập và tự do, Tuyên ngôn độc lập còn mang những giá trị lịch sử và thực tiễn to lớn, thể hiện trí tuệ và tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giá trị trường tồn của Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 - ảnh 1Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Ảnh: Tư liệu. Nguồn: baothanhhoa.vn

Mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Luận điểm kinh điển về độc lập dân tộc

Đây là một lập luận khoa học biện chứng sinh động và giàu thực tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn nội dung về quyền con người trong Tuyên ngôn độc lập của cường quốc số một thế giới là Mỹ, để làm căn cứ cho lập luận của mình, phát triển thành quan điểm về quyền dân tộc. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Yên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, khẳng định: “Điểm nổi bật ở đây giá trị thời đại, người đã suy rộng ra. Hai bản Tuyên ngôn của Hoa Kỳ và Pháp chỉ nói quyền con người và quyền dân tộc. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy rộng ra, đó là quyền của tất cả các dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Đó là thiên tài của Người. Chính luận điểm đó dẫn dắt cho Người suốt bản Tuyên ngôn về giá trị thời đại”.

Thực tế lịch sử cũng cho thấy, sau chiến tranh thế giới thứ II, phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc đã diễn ra mạnh mẽ và liên tục kéo dài cho ngày nay, với sự ra đời của hàng loạt quốc gia độc lập ở cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi. Rõ ràng, mưu cầu tự do và độc lập là lợi ích chung của toàn nhân loại, của mọi quốc gia, dân tộc, như đã được khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập. 

Vẹn nguyên giá trị và sức sống trường tồn

Trong những thập niên qua, cục diện khu vực và toàn thế giới có nhiều biến động lớn, diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa…. Nhiều cuộc chiến tranh, xung đột và khủng hoảng đã nổ ra, trong khi các cường quốc không ngừng đối đầu và cạnh tranh nhau gay gắt. Từ những biến động đa chiều đó, nhiều bài học đắt giá đã được rút ra, trong đó có luận điểm đã trở thành chân lý rằng: không có bạn bè/đối tác vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù/đối thủ vĩnh viễn, mà chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc mới là vĩnh viễn. Bởi vậy, việc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 đã khẳng định và đề cao độc lập và tự do dân tộc, vốn là lợi ích dân tộc tối cao, càng cho thấy trí tuệ và tầm nhìn vừa thực tế, vừa mang tầm vóc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh.   

Giá trị trường tồn của Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 - ảnh 2Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch năm 2020. Ảnh: nhandan.vn 

Điều này lý giải vì sao sau hơn ¾ thế kỷ với hàng loạt biến động, thăng trầm của lịch sử, Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 vẫn vẹn nguyên giá trị bất hủ về tự do và độc lập dân tộc. Trong chuyến thăm Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch năm 2020, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: “Tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã đọc tuyên ngôn độc lập. Đây là một văn bản lịch sử, một văn kiện vô cùng trọng đại. Tuyên ngôn độc lập đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nó đã thể hiện tư tưởng, trí tuệ, tâm hồn, bản lĩnh, nhân cách Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới. Trách nhiệm của chúng ta là phải thực hiện cho bằng được tuyên ngôn độc lập. Bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ cho được độc lập, tự do của đất nước”.

Phản ánh sự thật khách quan, khơi dậy khát vọng và đáp ứng lý tưởng chung của xã hội tiến bộ, đó chính là lý tưởng bao trùm nhất, là nguồn năng lượng vô tận để Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 cho đến hôm nay vẫn còn nguyên sức sống và vẹn nguyên giá trị.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác