Gian nan tiến trình đàm phán thương mại EU - Anh

(VOV5) - Liên minh châu Âu liên tiếp thể hiện một quan điểm hết sức cứng rắn và rõ ràng đối với các cuộc đàm phán thương mại với “người cũ” của mình.

Ngày 29/6, Liên minh châu Âu (EU) và Anh bắt đầu tiến trình đàm phán mới trong 5 tuần về vấn đề quy chế thương mại giữa hai bên sau ngày 31/12/2020, thời điểm Anh chấm dứt hoàn toàn tư cách thành viên trong thị trường và liên minh thuế quan của EU, còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit. Tuy nhiên, từ trước khi các cuộc đàm phán mới bắt đầu, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy, các cuộc thương lượng sẽ phải đối mặt những thách thức rất lớn.  

Gian nan tiến trình đàm phán thương mại EU - Anh - ảnh 1

Toàn cảnh vòng đàm phán hậu Brexit mới giữa đại diện Anh và Liên minh châu Âu ở Brussel, Bỉ, ngày 29/06/2020. - Ảnh: AFP/TTXVN

Hai ngày trước khi tiến trình đàm phán bắt đầu, (hôm 27/6), Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố rằng London sẵn sàng cắt đứt mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và thiết lập quan hệ "theo các điều kiện như Australia" nếu không đạt được thỏa thuận về tương lai mối quan hệ của hai bên. Australia hiện không có một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU.

Hầu hết các giao dịch thương mại giữa EU và Australia đều tuân theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngoại trừ một số thỏa thuận đặc biệt đang có đối với một số hàng hóa nhất định. Về phần mình, Liên minh châu Âu cũng liên tiếp thể hiện một quan điểm hết sức cứng rắn và rõ ràng đối với các cuộc đàm phán thương mại với “người cũ” của mình.

Quan điểm quyết đoán của Anh

Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh, trong tuyên bố ngày 27/6, Thủ tướng Johnson nêu rõ “Anh sẽ đàm phán mang tính xây dựng song phải bình đẳng và sẽ sẵn sàng ngừng giai đoạn chuyển tiếp và thiết lập quan hệ theo các điều kiện như Australia, nếu không thể đạt được thỏa thuận". Còn nhớ, chỉ ít ngày sau khi Anh rời EU hồi cuối tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhấn mạnh đến một thỏa thuận thương mại tự do không cần thiết phải bao gồm việc chấp nhận các quy định của EU về chính sách cạnh tranh, trợ cấp, bảo vệ xã hội, môi trường hay bất cứ điều gì tương tự, đồng thời cảnh báo Anh có thể lựa chọn mô hình Thỏa thuận thương mại tự do mà EU đang triển khai với Canada và Australia.

Ngày 25/6, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost cũng khẳng định Anh sẽ không đồng ý với bất cứ đề nghị nào từ EU về việc cho khối này được quyền phản ứng với những thay đổi về luật pháp của Anh hậu Brexit bằng thuế quan. Trên trang Twitter cá nhân, Trưởng đoàn đàm phán Anh nói rằng "nước Anh không thể tự đặt mình đứng trước những nguy cơ kinh tế không lường trước được như vậy". Đặc biệt, ngày 12/6, Anh đã thể hiện lập trường rất quyết đoán trong vấn đề đàm phán, khi chính thức thông báo với EU về việc sẽ không tìm cách gia hạn giai đoạn chuyển tiếp, trái ngược hẳn với một số dự báo rằng Anh có thể đề nghị gia hạn thêm giai đoạn chuyển tiếp từ 1 đến 2 năm để đạt được kết quả đàm phán tốt hơn với EU.

Lý giải về động thái của Anh, một số ý kiến cho rằng, London nhận thấy dù có gia hạn thêm thời gian đoạn chuyển tiếp thì cũng khó có thể làm thay đổi lập trường của EU.   

Lập trường cứng rắn của EU

Thực tế, vào cùng ngày Thủ tướng Anh đưa ra tuyên bố sẵn sàng cắt đứt mối quan hệ với EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo rằng Anh sẽ phải "chấp nhận hậu quả" khi có mối quan hệ kinh tế yếu hơn với EU sau khi đã rời khỏi khối này. Ở đây, cần lưu ý chi tiết là nước Đức sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên châu Âu từ ngày 1/7.

Trước đó, nhà đàm phán của EU Michel Barnier đã cáo buộc phía Anh không tôn trọng các điều khoản trong thỏa thuận "ly hôn", sau khi hai bên kết thúc vòng đàm phán thứ 4 vào ngày 5/6 mà không đạt được sự đột phá đáng kể, do hai bên vẫn còn bất đồng sâu sắc trong 4 vấn đề chính là ngư nghiệp, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, quyền cơ bản trong tư pháp hình sự và quản trị mối quan hệ đối tác trong tương lai.

Theo giới phân tích, nguy cơ vòng đàm phán đang diễn ra tiếp tục lâm vào “vết xe đổ” của các vòng đàm phán trước là rất cao, bởi những vướng mắc hiện nay giữa hai bên vẫn được đánh giá là mấu chốt và khó thỏa hiệp, trong khi cả hai bên đều chưa thể hiện bất kỳ ý định nhượng bộ nào. Kịch bản không đạt được thỏa thuận theo hạn định rất có nguy cơ xảy ra và trong trường hợp này, Anh được cho là bên chịu thiệt hại lớn hơn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây đánh giá, lĩnh vực thương mại và thị trường việc làm của Vương quốc Anh đang đứng trước nguy cơ chịu ảnh hưởng tiêu cực, nếu London không thể đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại EU vào cuối năm 2020, hoặc không thể gia hạn giai đoạn chuyển tiếp Brexit. Trước đó không lâu, OECD dự báo kinh tế Anh - với ngành dịch vụ trong nước có quy mô lớn đã bị ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng ngừng hoạt động do dịch COVID-19 – sẽ sụt giảm tới 11,5% trong năm 2020.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác