(VOV5) - Sau một thời gian dài trì hoãn, cuộc đàm phán đầu tiên về vấn đề hạt nhân giữa Iran và nhóm P5 +1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng bảo an LHQ và Đức) kể từ khi Tổng thống Hassan Rowhani lên nhậm chức hồi tháng 8, cuối cùng đã được nối lại trong 2 ngày 15 -16/10, tại Geneva, Thuỵ Sỹ. Tuy ghi nhận bầu không khí mang tính xây dựng của các bên trước vòng đàm phán song dư luận cũng khá thận trọng khi nhận định về kết quả cụ thể của sự kiện này.
Mục đích rõ ràng
Iran tham gia đàm phán nhằm mong muốn lệnh cấm vận được nới lỏng càng sớm càng tốt để khôi phục kinh tế trong khi đàm phán phương Tây và Mỹ lại muốn dùng lệnh cấm vận để giải quyết triệt để chương trình hạt nhân của Iran nhằm đảm bảo lợi ích và ảnh hưởng tại Trung Đông.
|
Đại diện nhóm P5+1 và Iran tại cuộc đàm phán ở Geneva (Ảnh Reuters) |
Hiện tại, Iran sở hữu gần 7 nghìn kg urani đã làm giàu ở cấp độ thấp và khoảng 186 kg nguyên liệu đã làm giàu ở cấp 20% cũng như gần 190 kg urani đã được chuyển hóa thành dạng bột oxide để sản xuất các thanh nhiên liệu. Theo các chuyên gia, các nhà máy điện hạt nhân chỉ cần sử dụng nhiên liệu từ urani được làm giàu ở cấp thấp. Tuy nhiên, Iran tuyên bố họ cần urani được làm giàu ở mức 20% để phục vụ lò phản ứng nghiên cứu y tế. Việc này đã trở thành nguyên nhân khiến phương Tây và Israel quan ngại cho rằng Iran có thể bí mật tiến hành chương trình làm giàu urani ở cấp độ cao hơn.
Vì vậy, cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 lần này được cho là phải giải quyết được hai vấn đề quan trọng. Đó là xây dựng lòng tin trước mắt và nỗ lực hướng tới một thoả thuận cuối cùng.
Khó khăn từ trong nội bộ
Tuy nhiên, ngay trước thềm đàm phán, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi nêu rõ rằng Iran sẽ đàm phán về khối lượng, mức độ và các biện pháp làm giàu urani nhưng việc chuyển các nguyên liệu đã làm giàu ra khỏi lãnh thổ của Iran là điều nước Cộng hoà Hồi giáo này không thể chấp nhận. Tuyên bố của ông Abbas trái ngược với thái độ ôn hoà, thiện chí mà chính quyền Tổng thống Hassan Rowhani thể hiện trước đó.
Còn ở Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định rằng nước này đang hết sức thận trọng và quan sát kỹ tiến trình hạt nhân Iran. Mỹ thà chấp nhận không đạt được thỏa thuận nào còn hơn là theo đuổi một thỏa thuận tồi. Tại Quốc hội Mỹ cũng xuất hiện nhiều tiếng nói phản đối việc làm dịu quan hệ với Iran. Gần đây họ còn thông qua những biện pháp nhằm siết chặt hơn nữa lệnh cấm vận dầu lửa với đất nước Hồi giáo này. Thượng viện Mỹ cũng phát tín hiệu rõ ràng rằng nếu Nhà Trắng không đạt được bất cứ tiến triển nào vào cuối tháng 10 thì họ sẽ thảo luận một dự luật trừng phạt mới.
Áp lực từ bên ngoài
Trong khi đó, cuộc đàm phán cũng chịu nhiều áp lực từ các nhân tố bên ngoài. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo rằng việc giảm bớt áp lực đối với Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này sẽ là một sai lầm lịch sử. Hiện giờ không phải là thời điểm để nhượng bộ mà cần phải tiếp tục gây áp lực với Iran. Theo ông Netanyahu, Iran có thể nhanh chóng làm giàu uranium từ 3,5% lên 90%, do đó, việc sẵn sàng ngừng làm giàu uranium 20% không có ý nghĩa gì.Lời cảnh báo mạnh mẽ của ông Benjamin Netanyahu được coi là thông điệp gửi với phương Tây rằng họ không nên đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào đối với Iran.
Suốt 4 năm qua, dư luận đã chứng kiến sự đổ vỡ hàng loạt của các cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Và lần này, cuộc mặc cả giữa các bên xem chừng cũng rất khó khăn và chịu nhiều sức ép. Xem ra, để tránh thất bại thêm 1 lần nữa, các bên cần cùng nhượng bộ và có thái độ thiện chí hơn trong việc tháo dần nút thắt vấn đề hạt nhân Iran./.