(VOV5) - Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức ra đời vào ngày 31/12/2015 dựa trên 3 trụ cột chính là Cồng đồng chính trị an ninh, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa-xã hội.
Sau nhiều năm chuẩn bị, Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cuối cùng đã đặt bút ký kết Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN, chính thức công bố với thế giới về sự ra đời của một Cộng đồng khu vực với nhiều tham vọng, đó là thống nhất, hòa bình, thịnh vượng, nỗ lực đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới.
|
Cộng đồng ASEAN là bước tiến lớn về hợp tác trong khu vực (Ảnh: internet) |
Ngày 21/11, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đã đi vào lịch sử khi lãnh đạo 10 thành viên của khối chính thức ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN 2015 và đề ra Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, trước sự chứng kiến của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và lãnh đạo 8 nước đối tác, đối thoại của ASEAN.
ASEAN đóng vai trò lớn hơn trên diễn đàn chính trị toàn cầu
Theo nội dung Tuyên bố, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức ra đời vào ngày 31/12/2015 dựa trên 3 trụ cột chính là Cồng đồng chính trị an ninh, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa-xã hội. Sự ra đời của Cộng đồng có ý nghĩa hết sức to lớn, đưa ASEAN chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, gắn kết hơn về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội, mang lại lợi ích chung cho tất cả các nước thành viên.
Tuyên bố tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 nhấn mạnh ASEAN quyết tâm củng cố sự vững mạnh của cộng đồng, phát huy những kết quả đạt được và làm sâu sắc tiến trình liên kết, hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm. Một Cộng đồng mà ở đó người dân được hưởng các quyền tự do cơ bản, chất lượng cuộc sống cao hơn cùng với các lợi ích mà tiến trình xây dựng cộng đồng mang lại.
Theo Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, sự hình thành Cộng đồng ASEAN đem lại lợi ích vô cùng to lớn, trước hết về chính trị-an ninh. Từ một cơ chế hợp tác chưa thực sự liên kết, bằng việc hình thành một cộng đồng chung thống nhất, ASEAN đã thể hiện quyết tâm rất lớn của mình đóng vai trò chủ động trong việc đề ra giải pháp đối với các vấn đề hòa bình và an ninh trong khu vực.
Tổng thư ký lê Lương Minh khẳng định: "Tại các cơ chế khu vực do ASEAN khởi xướng đang ngày càng trở thành những diễn đàn tin cậy cho đối thoại hợp tác về những vấn đề hòa bình, ổn định,an ninh, hợp tác phát triển, không chỉ của khu vực ASEAN mà cả khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vốn rất đa dạng, phức tạp, với sự can dự ngày càng tăng của hầu hết các nước lớn, với những lợi ích đan xen, thậm chí đối nghịch nhau".
Việt Nam chia sẻ lợi ích và trách nhiệm chung
Việc thành lập Cộng đồng ASEAN có ý nghĩa lịch sử đối với cả khối nói chung và Việt Nam nói riêng. Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN tạo nên bước chuyển cơ bản cho quá trình hội nhập của Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới.
Tuy cơ hội đem lại là rất lớn, song cùng với đó Cộng đồng ASEAN cũng đem lại cả thách thức cho Việt Nam, nhất là lĩnh vực kinh tế, thương mại. Một cuộc chơi bình đẳng mới về nhiều phương diện buộc Việt Nam phải có những nhận thức đầy đủ và kịp thời. Đó là những thách thức về pháp lý, về mở cửa thị trường và tiếp cận thị trường, về cạnh tranh bình đẳng và minh bạch, về trách nhiệm của từng thành viên với tổ chức, về gắn kết tương lai riêng của mình với tương lai chung của ASEAN.
Phân tích điều này, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng cho rằng: "Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập, đó là cái lợi không chỉ cho Việt Nam mà cả các nước. Trước hết, đó là một thị trường lớn, trao đổi buôn bán lâu nay là tốt nhưng nếu chúng ta lồng ghép trong đó sự tương thân, tương ái, trợ giúp lẫn nhau để làm cho Cộng đồng đó, không chỉ kinh tế của tôi mà cả của anh đều phát triển thì đây sẽ là lợi thế rất lớn. Thứ hai, nguồn lao động, nguồn vốn dồi dào luân chuyển trong khu vực sẽ giúp cho Việt Nam có cơ hội tranh thủ lợi thế của các nền kinh tế khác, phục vụ cho phát triển của mình. Có điều là, cơ hội thì nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Chúng ta đã xây dựng được Cộng đồng như thế không phải 1-2 năm, mà là cả một quá trình lâu dài. Bản thân từng nước, từng nền kinh tế phải hy sinh ở mức độ nào đấy để có thể giữ vững Cộng đồng. Thứ hai là, cơ hội và lợi ích nhìn thấy được, nhưng điều quan trọng là các nước ASEAN có dám, đủ can đảm để sử dụng, khai thác lợi thế đó hay không?".
Cộng đồng ASEAN ra đời đúng vào thời điểm tròn 20 năm Việt Nam tham gia và gắn bó với ASEAN. Với nhận thức đúng đắn hợp tác ASEAN là lợi ích sát sườn với sự phát triển của đất nước, Việt Nam kiên định ý chí và quyết tâm, gắn kết hữu cơ hơn với cả khối, đồng thời tiếp tục có những hành động cụ thể, đóng góp thực chất hơn cho ASEAN.