(VOV5) - 45 năm qua, có thể khẳng định không ở đâu hai đoàn đại biểu của Việt Nam có được những lợi thế và sự hậu thuẫn to lớn đến như thế khi đến đàm phán tại Paris.
Sự kiện Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam 27/1/1973, văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, trong đó Mỹ buộc phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và thống nhất của dân tộc Việt Nam, không chỉ có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử Việt Nam, mà còn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ quốc tế. Cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh lâu dài gian khổ nhưng rất hào hùng của ngoại giao Việt Nam đi đến thành công cũng có vai trò, sự hỗ trợ tích cực của những người bạn quốc tế yêu chuộng hòa bình, công lý trong đó có nhiều người Pháp. Dù đóng góp công khai hay thầm lặng, họ đã cùng Việt Nam làm nên lịch sử.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973). (Ảnh tư liệu). Thùy Vân/VOV |
Trong số khá nhiều địa điểm ứng cử, Paris cuối cùng đã được chọn là nơi tiến hành đàm phán chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Và đến nay, 45 năm qua, có thể khẳng định không ở đâu hai đoàn đại biểu của Việt Nam có được những lợi thế và sự hậu thuẫn to lớn đến như thế khi đến đàm phán tại Paris.
Sự ủng hộ mạnh mẽ của những người yêu chuộng hòa bình
Nhận định về sự kiện lịch sử này, Nhà sử học Alain Rouscio cho rằng: "Nhân dân Pháp và nhân dân Việt Nam chưa bao giờ gây chiến với nhau. Chính chế độ thực dân mới là kẻ áp đặt nền thống trị mình lên dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đấu tranh để tự giải phóng và trong cuộc đấu tranh đó nhân dân Pháp đã luôn sát cánh bên các bạn. Thời đó tôi còn rất trẻ nhưng đã tham gia rất nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh Mỹ gây ra tại Việt Nam".
Con số 52 tổ chức hữu nghị chống chiến tranh thường xuyên tiến hành biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam đã nói lên sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Pháp yêu chuộng hòa bình đối với Việt Nam. Đúng như sau này đã có ý kiến cho rằng nước Mỹ không chỉ thua trên bàn đàm phán hay trên chiến trường mà trước hết đã thua trên các đường phố.
Tại Choisy-le-Roi, nơi cách đây 45 năm, đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa đã lưu lại suốt gần 5 năm đàm phán Hiệp định Paris, giờ đây vẫn còn đó những dấu ấn của lịch sử với căn nhà đoàn đàm phán từng ở. Một quảng trường lớn mang tên “Hiệp định Paris” được khánh thành vào năm 2013 và biểu trưng hòa bình cao vút giữa nền trời Choisy-le-Roi, như lời khẳng định tình hữu nghị với Việt Nam mãi còn nơi đây.
Tại Choisy-le-Roi ngày nay, bên cạnh những cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản, có những con người rất bình thường như bà Jeanne Rubin, một trong những người từng tình nguyện phục vụ bữa ăn cho đoàn đàm phán Việt Nam 45 năm về trước. Bà Rubin kể lại: "Khi ấy, tôi đang làm việc ở trường học. Một hôm sau giờ làm, có một ông đến hỏi xem tôi có muốn đến phục vụ cho những yếu nhân này vào buổi tối hay không? Tôi đã vui vẻ nhận lời. Việc tôi làm là hoàn toàn miễn phí".
Nơi đoàn đàm phán ở tại Choisy-le-Roi. Thùy Vân/VOV
|
Cựu thượng nghị sỹ Hélène Luc tự hào kể lại rằng từ khi còn là một cô bé 15 tuổi, bà đã xuống đường ủng hộ hòa bình cho Việt Nam. Giai đoạn đàm phán Hiệp định Paris, bà và chồng bà, cố phó thị trưởng, rồi thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi đã hỗ trợ hết mình cho đoàn đại biểu của Việt Nam. Tại Verierre le Buisson, vẫn còn đó ngôi nhà từng là nơi ở của bà Nguyễn Thị Bình và một số thành viên đoàn đàm phán Mặt Trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Dấu ấn vĩ đại của lịch sử vẫn còn mãi
45 năm đã qua đi, giống như nhiều thành viên hai đoàn đàm phán Việt Nam năm xưa, những người bạn Pháp hay những người Việt tại Pháp khi ấy nay cũng người còn, người mất hoặc già yếu. Nhưng lịch sử ghi nhận họ, với những hành động cá nhân như những mảnh ghép riêng rẽ, đã tạo thành bức tường thành vững chắc cùng ý chí của nhân dân Việt Nam bảo vệ thành công hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Họ cũng trở thành một phần của lịch sử, nhân chứng sống động cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp.