Hòa bình ở Ukraine vẫn ở phía trước

(VOV5)- Sau hơn 1 tháng thực thi, thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine đã giúp giảm bớt những căng thẳng trong cuộc chiến giữa quân đội chính phủ và lực lượng li khai. Tuy nhiên, những vụ vi phạm lệnh ngừng bắn vẫn tiếp tục xảy ra, cùng với những động thái mới từ chính quyền Kiev đang đe dọa phủ bóng đen lên kế hoạch khôi phục hòa bình tại khu vực miền Đông đầy bất ổn này.

Hiệp định ngừng bắn đã được thông qua giữa chính phủ Kiev và lực lượng quân nổi dậy ngày 5/9 tại Minsk. Thỏa thuận ngừng bắn này cũng được tăng cường bằng một thỏa thuận hôm 19/9 nhằm thiệt lập một khu vực phi quân sự. Tuy nhiên kể từ thời điểm đó, cả hai bên đều liên tục chỉ trích lẫn nhau về việc vi phạm những điều khoản của hiêp định. Mặc dù chiến trường đã trở nên im ắng kể từ đầu tháng 10 nhưng con số thương vong mà Liên Hợp Quốc đưa ra hôm 7/10 đã nói lên nhiều điều. Theo thống kê mới nhất của Liên Hiệp Quốc, số lượng người chết vì cuộc xung đột kéo dài mấy tháng qua tại Ukraina là 3660 người, trong đó có 330 người đã chết sau khi thỏa thuận ngừng bắn được xác lập.

Hòa bình ở Ukraine vẫn ở phía trước - ảnh 1
Phần còn lại của một quả tên lửa được phe đối lập thu được sau trận pháo kích ngày 5/10 (Ảnh AFP)

Cộng đồng quốc tế nỗ lực cứu thỏa thuận hòa bình
Nhằm cứu vãn thỏa thuận hòa bình trước nguy cơ đổ vỡ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Lavrov để thảo luận tình hình phía Đông Ukraine. Về phía Nga, nước này khẳng định đang làm mọi điều có thể để đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine. Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu ( OSCE) thành lập một trung tâm chung, phối hợp những nỗ lực nhằm giám sát thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được. Nhiệm vụ của nhóm này nhằm giảm căng thẳng trong khu vực, đảm bảo kiểm soát hiệu quả những thỏa thuận đã đạt được, thành lập những đơn vị kiểm soát tại khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine. Đức hiện cũng đang cân nhắc việc gửi quân đến miền Đông Ukraine để giám sát thỏa thuận ngừng bắn. Bên cạnh việc đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn tiếp tục có hiệu lực tại Ukraine, các nước cũng tích cực thực hiện các hoạt động nhân đạo để hỗ trợ người dân phía Đông Ukraine.

Lợi ích chính trị đằng sau thỏa thuận hòa bình
Trong khi các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra hết sức khẩn trương thì rất nhiều nhà phân tích lại tỏ ra không mấy lạc quan. Theo họ, việc duy trì thỏa thuận ngừng bắn tại miền đông Ukraine giờ trở nên vô cùng mong manh. Bởi thực chất lệnh ngừng bắn tồn tại trên danh nghĩa này chỉ đem lại lợi ích cho chính trị cho chính quyền Kiev và phương Tây.

Trong bối cảnh, cuộc bầu cử quốc hội Ukraine đang tới gần, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chắc chắn mong muốn thu hút những lá phiếu của cử tri bằng cách tạo ra ấn tượng về một nền hòa bình của đất nước. Còn các nước Liên minh châu Âu cũng muốn bám víu vào một thỏa thuận ngừng bắn dù kém hiệu quả chứ không muốn phải làm sâu sắc thêm bế tắc với Nga, nguồn cung cấp khí hàng đầu của họ, khi mùa đông đang đến gần. Các đảng đối lập Ukraine cũng chỉ trích về hiệu quả của thỏa thuận ngừng bắn này. Cựu thủ tướng Ukraine Yulia Timoshenko cho biết không tin vào kế hoạch hòa bình của ông Poroshenko tại miền đông Ukraine và coi các cuộc đàm phán ba bên tại Minsk là một sự lừa dối.

Nguy cơ tái diễn xung đột lớn ở Ukraine
Hiện tại, những rối ren bất ổn ở Ukraine đang đe dọa phủ bóng đen lên cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine ngày 26/10 tới. Cái khó là việc tổ chức bỏ phiếu tại các khu vực do lực lượng đối lập ở miền Đông kiểm soát sẽ diễn ra như thế nào. Chính quyền Trung ương Kiev khẳng định cuộc bầu cử ngày 26/10 được tiến hành tại 11 khu vực của tỉnh Donetsk và 4 khu vực thuộc tỉnh Lugansk. Trong khi đó, lực lượng đối lập tại Lugansk và Donetsk tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử, tự tổ chức bầu cử riêng vào ngày 2/11 tới để bầu ra lãnh đạo địa phương và các cơ quan lập pháp. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko kêu gọi Nga và thế giới không công nhận cuộc bầu cử địa phương do nhóm đối lập thực hiện. Theo ông Poroshenko, bất cứ cuộc bầu cử nào do lực lượng đối lập xác định không tuân theo hiến pháp Ukraine, không có quan sát viên, vi phạm quyền bầu cử của công dân Ukraine sẽ không được Ukraine và toàn thế giới công nhận.

Trong một động thái được đánh giá là “đổ thêm dầu vào lửa”, tại phiên họp bất thường ngày 7/10, với 236 phiếu ủng hộ, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự thảo nghị quyết về việc thay đổi địa giới một số huyện ở Lugansk. Nghị quyết này cho phép ngay lập tức mở ra vùng lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của các chi nhánh Kho bạc Nhà nước Ukraine để chi trả tiền lương, lương hưu và các gói dịch vụ xã hội. Phản ứng trước quyết định trên, lực lượng đối lập ở Luhansk tuyên bố coi việc chính quyền Kiev thay đổi địa giới các huyện trong tỉnh này là sự “điều chỉnh lãnh thổ”, đồng thời khẳng định tất cả các huyện của tỉnh Luhansk nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng dân quân LC. Họ sẽ không rút đi và sẽ chiến đấu để giải phóng toàn bộ lãnh thổ Luhansk khỏi quân đội Ukraine.

Một giải pháp quan trọng để hạ nhiệt căng thẳng hiện nay là các cuộc đối thoại giữa đại diện chính quyền Ukraine và Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, trong đó OSCE đóng vai trò trung gian, cần sớm được tổ chức. Song, những diễn biến hiện tại không đem đến hy vọng và nguy cơ tái diễn xung đột lớn ở Ukraine là hoàn toàn có thể./.

Phản hồi

Các tin/bài khác