(VOV5) - Vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc chống Iran, ngày 20/9, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố mạnh mẽ phản đối.
Những ngày này, dư luận quốc tế tiếp tục dồn sự chú ý vào nước Mỹ, không chỉ bởi sức hút mạnh mẽ của cuộc đua vào Nhà Trắng đang đến hồi gay cấn, mà còn bởi những động thái mà Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tiến hành hướng vào khu vực Trung Đông, như kiến tạo thỏa thuận hòa bình giữa Israel và các quốc gia A rập, khôi phục các lệnh trừng phạt chống Iran liên quan đến vấn đề hạt nhân.
Trong đó, nỗ lực khôi phục các lệnh trừng phạt chống Iran của Mỹ đang cho thấy sự lạc lõng khi liên tiếp vấp phải sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Donald Trump dự định áp đặt các biện pháp trừng phạt những quốc gia không tuân thủ lệnh cấm Iran. - Ảnh: AFP
|
Ngày 19/9 vừa qua (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm vào Iran đã có hiệu lực trở lại và Mỹ sẽ “áp đặt những hậu quả” nếu các nước thành viên Liên hợp quốc không thực thi các lệnh trừng phạt.
Trong một tuyên bố chính thức, Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ: "Nếu các nước thành viên Liên hợp quốc không hoàn thành cam kết của họ về thực thi những biện pháp trừng phạt này, Mỹ sẵn sàng sử dụng nhà chức trách trong nước để áp đặt những hậu quả đối với những thất bại đó và đảm bảo rằng Iran không thể hưởng lợi từ hoạt động bị Liên hợp quốc cấm".
Tuy nhiên, nỗ lực đơn phương này của Washington đang vấp phải những sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ.
Nhiều nước phản đối Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran
Vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc chống Iran, ngày 20/9, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố mạnh mẽ phản đối. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh “Mỹ tiếp tục gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế khi suy đoán về việc hoàn thành một số thủ tục tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để khôi phục hiệu lực của các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Iran, vốn đã bị hủy bỏ vào năm 2015 sau khi ký kết Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) để giải quyết vấn đề liên quan chương trình hạt nhân Iran”.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh đối ngoại Jossep Borreli cũng đã đã bác bỏ tuyên bố đơn phương của Mỹ về việc khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc chống Iran.
Quan chức EU nhấn mạnh Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018 nên không thể khởi xướng quá trình khôi phục các lệnh trừng phạt theo nghị quyết 2231 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Các cam kết về dỡ bỏ trừng phạt trong JCPOA vẫn được áp dụng và EU sẽ tiếp tục đảm bảo việc duy trì và thực hiện đẩy đủ JCPOA của Iran và các bên tham gia khác. Đại diện cấp cao EU khẳng định JCPOA là trụ cột chính của cấu trúc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, kêu gọi các bên tiếp tục thực thi thỏa thuận và kiềm chế những hành động có thể được coi là khiến leo thang tình hình.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng tuyên bố chưa đưa ra hành động nào về các biện pháp trừng phạt đối với Iran do “có sự không chắc chắn” liên quan đến vấn đề này.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell lên tiếng bác bỏ tuyên bố đơn phương của Mỹ về việc khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc chống Iran. - Ảnh: AFP/TTXVN |
Nỗ lực khó thành và những hệ lụy nguy hiểm
Theo nhiều nhà phân tích, với những phản ứng quyết liệt từ cộng đồng quốc tế, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ như các nước trong EU, chính quyền Mỹ đang tự làm khó mình trong nỗ lực tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran. Bởi lẽ, khởi động lại các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc với Iran đồng nghĩa với việc khai tử thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, thành quả của những nỗ lực quốc tế bền bỉ trong nhiều năm ròng. Không chỉ Nga và Trung Quốc, mà hầu hết châu Âu sẽ phản đối bước đi này.
Thế nhưng, với việc Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt các quốc gia không thực thi khôi phục biện pháp trừng phạt Iran, các đồng minh của Mỹ đang bị đẩy vào tình thế khó xử là chống lại Mỹ hay chống lại thỏa thuận JCPOA.
Trong tình thế này, giải pháp tối ưu nhất được các nhà phân tích chỉ ra là các bên quốc tế cần kiên trì duy trì đàm phán với Iran cho đến khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tới đây ngã ngũ, với hy vọng rằng chiến lược của Washington trong vấn đề hạt nhân Iran sẽ thay đổi theo chiều hướng có lợi cho JCPOA trong kịch bản ứng cử viên của Đảng Dân chủ chiến thắng.
Tuy nhiên, trong kịch bản ngược lại là Tổng thống Trump chiến thắng, vấn đề có thể trở nên phức tạp hơn rất nhiều khi các đồng minh châu Âu của Mỹ sẽ buộc phải lựa chọn giữa thực hiện theo ý đồ của Washington hay chấp nhận hy sinh quan hệ với Mỹ để duy trì thỏa thuận hạt nhân mà họ đã dày công góp sức. Với kịch bản này, không có gì đảm bảo chắc chắn rằng JCPOA sẽ được duy trì và khi đó hệ lụy của nó được dự báo sẽ rất nghiêm trọng, khó có thể mường tượng hết được.