(VOV5) - "Cần mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hoá và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước;.."
Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo cần chú trọng phát triển nền đối ngoại Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc. Đặc biệt, đối ngoại phải đảm bảo thực hiện mục tiêu tối cao là bảo vệ ở mức cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc.
Quang cảnh Hội nghị Đối ngoại toàn quốc về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: VOV |
Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện đặc biệt quan trọng vì đây là Hội nghị đối ngoại đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là những tác động của đại dịch Covid-19. Vì thế, Hội nghị được đánh giá là một sự kiện lịch sử, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải phát triển một nền ngoại giao và đối ngoại hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Nền đối ngoại đó phải đáp ứng yêu cầu của thời đại, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển đất nước. Hơn hết, phải đảm bảo ở mức cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc không phải là nhiệm vụ mới đặt ra, mà là truyền thống lịch sử đối ngoại hàng nghìn năm qua của dân tộc Việt Nam: “Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của chúng ta. Bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn, độc lập, chủ quyền của đất nước, ông cha ta đã luôn luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam: Đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hoà hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo!"; "Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh; Mở nền muôn thủa thái bình!". Dùng đối ngoại để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất; đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông ta, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: VOV |
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc càng cần phải được chú trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, nội dung cốt lõi trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong đó Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định, đó là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Công tác đối ngoại cần được triển khai sát với yêu cầu thực tế của tình hình mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Công việc trọng tâm của thời gian tới là triển khai và phát huy các kết quả quan trọng của các diễn đàn đa phương mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là phối hợp với các đối tác thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến đã được thông qua của Việt Nam. Cần mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hoá và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà ta đã có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều biến động, phức tạp và khó lường, công tác đối ngoại phải đảm bảo mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện được mục tiêu đó thì một trong những yêu cầu then chốt là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Muốn vậy, đối ngoại cần phải biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái; tuỳ cơ ứng biến.