(VOV5) - Một loạt các vấn đề xung quanh tình hình giá cả tăng vọt, lạm phát, rủi ro vỡ nợ của các nền kinh tế mới nổi, an ninh lương thực, giá dầu… là nội dung chính thảo luận tại Hội nghị lần này.
Các nhà lãnh đạo tài chính của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) hôm nay bắt đầu gặp nhau tại Bali, Indonesia để cùng thảo luận các vấn đề cấp bách toàn cầu. Dù cuộc xung đột tại Ukraine phủ bóng đen và là nguyên nhân chính gây ra các bất ổn toàn cầu, nhưng mục tiêu của Hội nghị được nước chủ nhà đặt ra là không để các mâu thuẫn về cuộc xung đột ở Ukraine khiến cho các cuộc thảo luận đi chệch hướng, mà phải quyết tâm đạt được nhất trí ở các vấn đề cấp bách như an ninh lương thực toàn cầu và lạm phát tăng cao.
Biểu tượng Hội nghị Ngoại trưởng G20 tại Nusa Dua, Indonesia, ngày 7/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 5, gây ra nhiều hệ lụy như đẩy giá cả hàng hóa leo thang, gia tăng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt… Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đưa ra cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn và việc gián đoạn nguồn cung khi đốt tới châu Âu có thể đẩy thêm nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái. Quỹ này cũng buộc phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,6% và đây là lần dự báo hạ lần thứ 3 trong năm nay, đồng thời không loại trừ khả năng suy thoái kinh tế còn tiếp tục trong năm tới.
Cần sự nhất trí để giải quyết các vấn đề cấp bách
Một loạt các vấn đề xung quanh tình hình giá cả tăng vọt, lạm phát, mối lo ngại xung quanh đà tăng giá mạnh của đô la Mỹ, rủi ro vỡ nợ của các nền kinh tế mới nổi, an ninh lương thực, giá dầu… là nội dung chính thảo luận tại Hội nghị lần này. Ngoài ra, các lãnh đạo tài chính G20 cũng thảo luận các vấn đề khác như thúc đẩy các sáng kiến toàn cầu về năng lượng xanh, ngân hàng kỹ thuật số và các tiêu chuẩn thuế chung.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nếu như cách đây một thập niên, các ngân hàng trung ương được ghi nhận công lao giải cứu nền kinh tế thế giới khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì hiện nay, họ lại bị chỉ trích gay gắt vì phải vất vả chạy đua chống lạm phát đang tăng sốc ở nhiều nơi trên thế giới. Trong vòng 2 tháng qua, đã có hơn 80 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất, với mức tăng lớn. Trong khi đó, các nhà đầu tư đang đổ xô mua USD khi các bất ổn trong môi trường vĩ mô kích hoạt cuộc tháo chạy của dòng vốn. Điều này buộc giới chức trách ở nhiều nước phải cân nhắc các quyết định can thiệp để bảo vệ đồng nội tệ.
Một thách thức không nhỏ khác tại Hội nghị lần này là các nhà lãnh đao tài chính phải làm sao tìm được tiếng nói chung trong vấn đề an ninh lương thực. Một số nước đang gặp khó khăn với các vấn đề nguồn cung lương thực, trong đó Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Iran phụ thuộc lớn vào Nga và Ukraine với hơn 60% lúa mì nhập khẩu của họ. Hồi tháng 4, trong khuôn khổ hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới ở Washington, Bộ Tài chính Mỹ đã tổ chức một cuộc họp với sự tham dự các quan chức tài chính quốc tế và các chuyên gia an ninh lương thực để giải quyết cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc. Tại cuộc họp, các đại biểu đã đồng ý vạch ra một loạt các nguyên tắc chung và một kế hoạch hành động, nhưng từ đó, có rất ít tiến bộ rõ rệt.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo tài chính G20 còn cần tìm kiếm đồng thuận ở một loạt các vấn đề khác như đề xuất áp trần giá dầu Nga của Washington, bảo vệ các đồng tiền đang giảm giá so với đồng đô la Mỹ…
Tìm kiếm giải pháp cho nền kinh tế toàn cầu
Hiện tại đã có một số tín hiệu tích cực ghi nhận tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thông báo tài trợ 70 triệu USD cho Quỹ tín thác Tăng trưởng và Giảm nghèo, giúp các nước nghèo có thể vay không lãi suất. Bà cũng kêu gọi Trung Quốc tham gia vào những nỗ lực tái cơ cấu nợ cho các quốc gia thu nhập thấp.
Trong các cuộc thảo luận trước đó, G20 cũng đã đạt được tiến bộ đáng kể về những chủ đề như nguyên tắc quản lý tiền điện tử và tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương. G20 cũng cố gắng đưa ra biện pháp giúp các nước nghèo giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực bằng cách đảm bảo nguồn cung cũng như khả năng chi trả thực phẩm và phân bón. Thống đốc ngân hàng trung ương Indonesia Perry Warjiyo cho biết, các bên đang cố gắng để có thể đạt được một Thông cáo chung đưa ra sau hai ngày họp, hoặc ít nhất là một Tuyên bố Chủ tịch.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục phủ bóng lên chương trình nghị sự hội nghị. Hiện vẫn tồn tại bất đồng giữa các nước phương Tây và Nga về cách diễn đạt trong thông cáo chung, đánh giá về tình trạng của nền kinh tế toàn cầu cũng như tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 có tìm kiếm giải pháp cho nền kinh tế toàn cầu hay không còn phụ thuộc vào việc các chính phủ có gạt những khác biệt chính trị sang một bên, đồng thời có hành động mạnh để quản lý những cú sốc chưa từng có đối với hệ thống năng lượng và lương thực toàn cầu hay không. Đây quả là những thách thức không dễ dàng vượt qua./.