Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2016: cơ hội hợp tác và những thách thức

(VOV5) - Chủ đề của G20 năm 2016 được nước chủ nhà Trung Quốc đưa ra là hướng tới một nền kinh tế thế giới năng động, kết nối và sáng tạo.


Trong 2 ngày 4 - 5/9, tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc), diễn ra Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). Là diễn đàn kinh tế quan trọng hàng đầu thế giới nên cũng không là ngoại lệ khi Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay sẽ tập trung tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên trong khuôn khổ Hội nghị, những bất đồng về tranh chấp lãnh thổ cũng có thể được đề cập.


Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2016: cơ hội hợp tác và những thách thức  - ảnh 1
Ảnh chụp màn hình của trang web chính thức năm 2016 của G20. Ảnh: chinadaily.com.cn

G20 từ trước tới nay luôn tập trung vào việc phối hợp các chính sách tiền tệ và tài chính giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển hàng đầu thế giới nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Song sau 8 năm phục hồi chậm chạp từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nước thành viên G20 nhận thấy họ cần gấp rút phối hợp hành động trong nhiều lĩnh vực quan trọng hơn nữa.


Tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay ngoài lãnh đạo 20 quốc gia thành viên, nước chủ nhà Trung Quốc còn mời 2 nước đang phát triển là Ai cập và Kazakhstan tham dự với vai trò khách mời danh dự. Hội nghị lần này cũng có mặt Cộng hòa Chad, nước đang là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi (AU); Senegal, đối tác chính của Trung Quốc trong các dự án phát triển tại châu Phi và Lào, nước Chủ tịch luân phiên năm 2016 của ASEAN.


Kinh tế: nội dung trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh G20

Là nhóm nước có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới với tổng kim ngạch ngoại thương và tổng GDP của các nền kinh tế G20 lần lượt chiếm hơn 80% và 85% toàn cầu, chủ đề của G20 năm 2016 được nước chủ nhà Trung Quốc đưa ra là hướng tới một nền kinh tế thế giới năng động, kết nối và sáng tạo. Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa ra một kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng theo hướng cải cách nhằm tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng toàn cầu, thông qua việc tạo ra một cuộc cách mạng công nghiệp mới và một nền kinh tế kỹ thuật số, đồng thời khuyến khích đối thoại giữa các nước phát triển và đang phát triển.


Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, Trung Quốc mong muốn các nước tập trung thảo luận các thách thức then chốt và vấn đề nổi cộm đặt ra cho kinh tế thế giới, cùng thúc đẩy nhóm G20 chuyển từ cơ chế ứng phó khủng hoảng chuyển sang cơ chế quản lý lâu dài, dẫn dắt sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và định hướng kinh tế quốc tế. Để đạt được mục đích này, một số nội dung có thể được gợi ý thảo luận như: giải pháp sáng tạo mô hình tăng trưởng, quản trị tài chính kinh tế thế giới hiệu quả hơn, thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, phát triển loại hình tương tác. Ngoài ra để xúc tiến hợp tác kinh tế, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết trong thời gian diễn ra Hội nghị, Trung Quốc cũng tổ chức Diễn đàn Cấp cao doanh nghiệp quy mô nhất trong lịch sử G20. Trước đó là Hội nghị Cấp cao nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Dự kiến Trung Quốc cũng chủ trì những cuộc thảo luận về chính sách kinh tế xoay quanh giá dầu.


Đề cập nội dung của G20, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá Hội nghị G20 sắp tới có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của kinh tế thế giới. Trong khi đó, theo tuyên bố của Nhà Trắng, tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Barak Obama sẽ nhấn mạnh sự thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. Ông cũng sẽ khẳng định tầm quan trọng của hợp tác G20 nhằm thúc đẩy một sân chơi bình đẳng, cơ hội kinh tế rộng rãi.


Vấn đề tranh chấp lãnh thổ được bàn thảo tại Hội nghị?      

Tuy nhiên Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này có lẽ sẽ không đơn thuần chỉ tập trung vào vấn đề kinh tế như mong muốn của nước chủ nhà Trung Quốc. Trước thềm Hội nghị, chính giới nhiều  nước thành viên đã bóng gió đề cập sự quan tâm của họ tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tự do hàng hải. Trước hết là vấn đề Biển Đông. Tổng thống Mỹ Barak Obama sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết ông Barack Obama sẽ trao đổi kỹ lưỡng với ông Tập Cận Bình những vấn đề đang gây bất đồng sâu sắc giữa hai nước, nhất là sự gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Là nhà lãnh đạo Đông Nam Á duy nhất tham dự G20 với tư cách thành viên, Tổng thống Indonesia Joko Widodo có thể cũng đề cập vấn đề Biển Đông tại diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế này. Quan hệ Jakarta - Bắc Kinh từng vấp phải căng thẳng từ đầu năm nay, xoay quanh việc Trung Quốc cho tàu cá đổ bộ hoạt động gần quần đảo Natuna của Indonesia trên Biển Đông. Trong bài phát biểu với quốc dân hồi giữa tháng 8, ông Widodo cam kết sẽ “bảo vệ từng tấc đất chủ quyền” của đất nước. Trong khi đó, tranh chấp lãnh thổ đang là điểm bất đồng trong quan hệ Trung - Nhật. Trước thềm G20, ngày 31/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất ngân sách kỷ lục lên tới 51 tỷ USD cho năm tài chính 2017, một phần trong số đó để nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp sau khủng hoảng năm 2008, Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này là cơ hội để các quốc gia thành viên tìm giải pháp hiệu quả để thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên kết quả của Hội nghị có bị phủ bóng bởi những bất đồng về tranh chấp lãnh thổ hay không còn phụ thuộc vào diễn biến cụ thể trong những ngày tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác