Kết quả trưng cầu dân ý tại Thái Lan: khát vọng về sự ổn định

(VOV5) -  Cuộc trưng cầu dân ý ngày 7/8 được xem là phép thử độ tín nhiệm của người dân đối với chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.


Tuy ngày 10/8, kết quả chính thức của cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp mới của Thái lan mới được công bố song đến nay hơn 94% số phiếu được kiểm cho thấy đa số người dân Thái Lan ủng hộ văn kiện này. Kết quả này cho thấy sự mong mỏi của người dân đất nước Chùa Vàng về một nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển.


Kết quả trưng cầu dân ý tại Thái Lan: khát vọng về sự ổn định - ảnh 1
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ở Bangkok ngày 7/8. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc trưng cầu ý dân hôm 7/8 đánh dấu lần đầu tiên người dân Thái Lan đi bỏ phiếu từ khi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người từng là Tư lệnh lục quân Thái Lan, lật đổ Chính phủ dân cử của bà Yingluck Shinawatra năm 2014. Quốc gia này đang bị chia rẽ sau một thập kỷ bất ổn chính trị, điều gây tổn hại đến tăng trưởng, cản đường tiến trình dân chủ và khiến nhiều người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình trên đường phố.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy hơn 60% cử tri ủng hộ dự thảo Hiến pháp mới trong khi hơn 30% phản đối. Đáng chú ý, dự thảo Hiến pháp mới giành được sự ủng hộ tại tất cả các khu vực, trừ vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi hầu hết cử tri bác bỏ văn kiện do chính quyền quân sự soạn ra. Riêng ở thủ đô Bangkok, tỷ lệ ủng hộ dự thảo Hiến pháp mới lên tới 70%.

Vì sao người dân Thái Lan đồng ý với dự thảo Hiến pháp?

Cuộc trưng cầu dân ý ngày 7/8 được xem là phép thử độ tín nhiệm của người dân đối với chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, tướng quân đội lên nắm quyền lãnh đạo đất nước sau cuộc đảo chính năm 2014. Chính quyền của ông Prayuth được cho là mang lại sự ổn định cho Thái Lan và chấm dứt những cuộc bạo động diễn ra thường xuyên và chia rẽ chính trị tại xứ sở Chùa Vàng trong nhiều năm trước đó. Cụ thể vào thời điểm khủng hoảng chính trị xảy ra, du lịch, xuất khẩu, đầu tư của Thái Lan đều đình trệ. Tuy nhiên đến quý I năm 2016, tăng trưởng GDP của Thái Lan đạt 3,2%, mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Đây là nỗ lực không thể phủ nhận của chính quyền quân sự với 10 biện pháp kích thích nền kinh tế trong thời gian qua. Kết quả này cũng mang lại niềm tin cho người dân Thái Lan về sự tăng trưởng nền kinh tế nếu có được sự ổn định về chính trị.

Thực tế đó cùng với việc quân đội Thái Lan cho rằng dự thảo Hiến pháp mới sẽ hàn gắn những chia rẽ chính trị kéo dài hơn một thập niên tại Thái Lan, khiến đa số người dân ủng hộ dự thảo Hiến pháp. 

Trong khi đó, theo giới quan sát, việc đa số người dân Thái Lan bỏ phiếu ủng hộ bản Dự thảo Hiến pháp mới cho thấy họ đã quá chán ngán với các diễn biến chính trị từ sau cuộc khủng hoảng năm 2006 (thời điểm cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ) và muốn quân đội có vai trò lớn hơn trong việc thành lập một Chính phủ đảm bảo sự ổn định để phát triển đất nước. Học giả Parinya Thewanarumitkul, Giáo sư luật tại Đại học Thammasat, cho rằng kết quả trưng cầu dân ý dường như cho thấy sự e ngại của người dân về nguy cơ tái diễn các bất ổn như trước cuộc đảo chính 2014. Theo nhà phân tích chính trị Sukhum Nuansakul, cựu Hiệu trưởng Đại học Ramkhamhaeng, kết quả trưng cầu dân ý cho thấy người dân đã chấp nhận Chính phủ do quân đội lãnh đạo, trao cho quân đội vai trò thành lập Chính phủ mới. Điều quan trọng nữa là người dân đã không còn tin vào những chính trị gia mà họ từng yêu quý.  

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, những người phản đối dự thảo Hiến pháp thì cho rằng kết quả trưng cầu dân ý chưa chính xác vì trước cuộc trưng cầu, chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã ngăn cấm các cuộc thảo luận công khai về dự thảo Hiến pháp này. Thậm chí những ai chỉ trích bản dự thảo có thể bị trừng phạt tới 10 năm tù giam. Các biện pháp hạn chế trên khiến phần lớn người dân không biết rõ về các nội dung chưa thỏa đáng của dự thảo Hiến pháp và khiến người dân nóng lòng hoàn tất tiến trình kéo dài này.

Phản ứng thận trọng từ các đảng phái

Phản ứng ngay sau khi đa số phiếu được kiểm, các lãnh đạo đảng Pheu Thai, lực lượng ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, tuyên bố chấp nhận kết quả trưng cầu ý dân, đồng thời cho biết họ sẽ tiếp tục đấu tranh vì dân chủ trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, đảng Pheu Thai cũng nhấn mạnh việc tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn cả cuộc trưng cầu năm 2007 đã cho thấy rõ thái độ của người dân. Trên thực tế chỉ có khoảng 55% trong số 50,5 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu, gần bằng với tỷ lệ 57% trong cuộc trưng cầu năm 2007. Thành viên của Đảng, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, cho rằng việc đa số cử tri Thái Lan bỏ phiếu ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp mới là một bước “thụt lùi” cho đất nước vì đây là dự thảo Hiến pháp phi dân chủ. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Abhisit Veijajiva, Chủ tịch Đảng Dân chủ, khẳng định chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý và kêu gọi các đảng khác cũng làm tương tự. Ông Abhisit nói rằng mối quan tâm lớn nhất hiện nay của Thái Lan sẽ là việc thực hiện lộ trình tiến tới cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017.

Về phía Chính phủ đương nhiệm, Thủ tướng Prayut Chan-ocha khẳng định cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong năm 2017 đúng như kế hoạch, cho dù dự thảo Hiến pháp mới có được cử tri chấp thuận hay không. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Prawit Wongsuwon thì khẳng định các tướng lĩnh nước này không có ý định thành lập một đảng chính trị và bản thân ông sẽ không tham gia tranh cử hoặc ứng cử vào vị trí Thủ tướng trong Chính phủ mới. Theo Đại tướng Prawit, chính quyền quân sự hiện nay còn nhiều việc phải làm trong đó có việc chuẩn bị cho bầu cử và khi đã có các đạo luật phù hợp, các chính trị gia sẽ được phép tham gia vận động tranh cử.

Thái Lan từng chứng kiến nhiều cuộc đảo chính quân sự và âm mưu đảo chính kể từ khi nước này thay thế chế độ quân chủ chuyên chế bằng nhà nước lập hiến năm 1932. Dự thảo Hiến pháp được người dân thông qua trở thành bản Hiến pháp lần thứ 20 của Thái Lan, cho thấy mong mỏi của người dân về sự ổn định để phát triển. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác