Nước Anh trước ngày trưng cầu dân ý

(VOV5) - Một tuần nữa (ngày 23/6), cử tri Anh sẽ đi bỏ phiếu quyết định xem nước này có ở lại Liên minh châu Âu hay không. Những cuộc thăm dò trước ngày trưng cầu dân ý cho thấy xu thế ủng hộ Anh rời EU đang nhiều hơn số người muốn nước Anh ở lại. Tuy tỷ lệ này không quá chênh lệch song đây là điều đáng lo ngại, khiến chính giới Anh, lãnh đạo EU có nhiều động thái để cử tri Anh thấy rõ lợi, hại nếu Anh rời EU.

Nước Anh trước ngày trưng cầu dân ý  - ảnh 1
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu tại cuộc họp của Nghị viện Anh ngày 7/6 (Ảnh: BBC/TTXVN)

Cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 là nhằm thực hiện những cam kết tranh cử mà Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra sau khi đảng Bảo thủ giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5.2015. Đáp lại lời kêu gọi từ Đảng Bảo thủ và Đảng Độc lập, những người vốn không đồng ý với việc Anh tham gia EU, Thủ tướng Anh David Cameron  trong chiến dịch tranh cử lúc đó đã hứa rằng nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015, ông sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề nước Anh đi hay ở lại EU. Tuy nhiên bản thân ông David Cameron không hề muốn tiến hành cuộc trưng cầu này vì những rủi ro và hệ lụy của nó.


Kết quả bất ngờ từ nhiều cuộc thăm dò ý kiến cử tri  


Kết quả nhiều cuộc thăm dò dư luận liên tiếp trong những ngày qua đều cho thấy chiến dịch vận động Anh rời EU (hay còn gọi là Brexit) đang thắng thế. Theo kết quả của hãng YouGov (đăng trên The Times ngày 10/6), Brexit đang giành được 46% tỷ lệ ủng hộ, dẫn trước 7 điểm so với chiến dịch vận động giữ Anh ở lại với 39% số phiếu. Kết quả này cao hơn hẳn so cuộc thăm dò cũng của hãng này hơn 1 tuần trước đó. Cũng theo YouGov, 11% người được thăm dò chưa đưa ra quyết định cuối cùng và 4% cho biết sẽ không tham gia bỏ phiếu. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận từ cuộc thăm dò dư luận do báo Independent của Anh thực hiện. Theo đó, tỷ lệ cử tri Anh ủng hộ Brexit tăng lên tới 55%, cao hơn 10% so với tỷ lệ phản đối. Đây là mức dẫn điểm lớn nhất của phe ủng hộ Brexit kể từ khi Independent tiến hành các cuộc thăm dò trong vòng 1 năm qua. Trong khi đó các kết quả thăm dò dư luận của các hãng khác như hãng tư vấn ORB, ICM cũng đều cho thấy tỷ lệ người Anh muốn quốc gia này rời EU đang dẫn trước.


Nước Anh từng trưng cầu dân ý về việc rút khỏi EEC năm 1975


Việc cử tri Anh không mặn mà với EU bắt nguồn từ lịch sử quan hệ 2 bên. Và cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 không phải là cuộc trưng cầu lần đầu tiên của nước Anh về việc đi hay ở lại EU. Tuy Anh và Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) trước kia và nay là EU có mối quan hệ ràng buộc đã hơn 40 năm nhưng đáng lưu ý là Anh không phải là một trong những quốc gia thành viên đầu tiên sáng lập của khối. Hơn 20 năm sau khi EEC ra đời (1952), năm 1973, Chính phủ Anh khi đó do Công đảng nắm quyền mới đưa Anh gia nhập liên minh. Chỉ 2 năm sau (năm 1975), một cuộc trưng cầu dân ý về việc rút khỏi EEC đã được tổ chức ở Anh. Kết quả là 67,2% người dân bỏ phiếu không ủng hộ việc rút lui này.


Nước Anh trước ngày trưng cầu dân ý  - ảnh 2
Bộ trưởng Nhà ở Anh Yvette Cooper (trái) trong cuộc họp của Công Đảng về ngân sách 2016 liên quan đến sự kiện Brexit ở trung tâm London ngày 10/6 (Ảnh: EPA/ TTXVN)


Ngoài ra, theo giới phân tích, trong khi hầu hết 28 nước thành viên EU gia nhập liên minh này vì những lý do rõ ràng và lâu dài thì vương quốc Anh chưa bao giờ thực sự muốn trở thành một thành viên đúng nghĩa của EU. Biểu hiện rõ nhất là cho đến nay, vương quốc Anh vẫn đứng ngoài Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Khu vực tự do đi lại (Shenghen). Động lực rõ nhất của Anh khi gia nhập EU có lẽ là nhằm tiếp cận những lợi ích thương mại tự do tại khu vực. Tuy nhiên, người dân Anh hiếm khi có ấn tượng tốt với nhiều chính sách và các quyền lợi đặc biệt khác của EU. Theo thống kê, Anh là quốc gia đóng góp lớn cho ngân sách EU kể từ khi nước này trở thành thành viên của khối (riêng năm ngoái đóng góp 13 tỷ bảng) nhưng khoản ngân sách EU đưa lại cho nước này lại không nhiều (chỉ khoảng 4,5 tỷ bảng). Thêm vào đó là sự mở rộng các quy định mang tính can thiệp của EU vào hệ thống tư pháp, các nguyên tắc của thị trường lao động và nhiều lĩnh vực khác đã gây ra những bất bình lớn trong người dân Anh. Đó là chưa kể đến cuộc khủng hoảng tài chính và bế tắc trong giải quyết vấn đề người nhập cư mà EU đang phải đối mặt.


Quyết định tương lai nước Anh và sự ổn định của EU


Khi kết quả thăm dò dư luận liên tiếp được công bố cũng là lúc chính giới Anh, lãnh đạo EU  và nhiều quốc gia thành viên có những động thái nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri. Trong cuộc tranh cãi ngày 14/6, giữa các chính trị gia hàng đầu tại Anh được phát trực tuyến trên mạng Internet, các chính trị gia ủng hộ xu hướng đưa Anh ra khỏi EU phủ nhận mọi nguy cơ kinh tế nếu Brexit xảy ra và cho rằng chính những quy định chung của EU đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế nước này. Phe ủng hộ Brexit cũng đưa ra viễn cảnh về một nước Anh "bất lực" trước làn sóng hàng trăm nghìn người di cư tràn vào quốc gia này mỗi năm khiến hệ thống dịch vụ công bị quá tải. Trong khi đó, những chính trị gia ủng hộ giữ Anh ở lại EU thì phản bác rằng việc tồn tại trong một liên minh thống nhất sẽ giúp người dân Anh được bảo vệ về mặt xã hội và việc làm, hơn nữa còn cho phép nước Anh tiếp cận thị trường chung với 500 triệu người dân của EU. Bộ Tài chính Anh cảnh báo ngân sách có thể thiếu hụt tới 30 tỷ bảng nếu kịch bản Brexit xảy ra. Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định ảnh hưởng của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ mạnh hơn nếu cử tri bỏ phiếu ủng hộ nước này ở lại.  Về phía EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), có thể là sự khởi đầu quá trình hủy hoại không chỉ EU mà còn toàn bộ nền văn minh chính trị phương Tây. Brexit sẽ kích động những người cực đoan chống hội nhập châu Âu từ bên trong nhiều nước thành viên.


Rõ ràng tương lai của nước Anh nói riêng và sự ổn định của EU nói chung phụ thuộc rất lớn vào kết quả cuộc trưng cầu lần này. Mọi việc sẽ được ngã ngũ trong ngày 23/6 tới sau khi cử tri Anh đưa ra quyết định cuối cùng của mình về việc nước Anh ra đi hay ở lại EU. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác