Khẳng định vai trò thượng tôn của luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông

(VOV5) - Tất cả quốc gia, bất kể điều kiện kinh tế-xã hội, địa lý, đều có lợi ích chặt chẽ trong tuân thủ thực hiện UNCLOS 1982.

Nhóm bạn bè của Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982 mới đây đã chính thức ra mắt tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. Đây là sáng kiến do Việt Nam và Đức đưa ra, được các nước thành viên Liên Hợp Quốc ủng hộ và đánh giá cao, coi đây là một diễn đàn có thể thảo luận cởi mở vấn đề luật biển, thu hẹp bất đồng, cam kết đóng góp cho UNCLOS 1982 một cách hòa bình, khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế trên biển Đông.

Sự kiện có sự tham dự của Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề pháp lý kiêm Cố vấn pháp lý của Liên Hợp Quốc Miguel de Serpa Soares và đại diện 96 nước thành viên.

Khẳng định vai trò thượng tôn của luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông - ảnh 1PCA công bố phán quyết về Biển Đông, năm 2016 - Ảnh: cand.com

Cam kết đóng góp cho UNCLOS 1982 một cách hòa bình

Sáng kiến thành lập Nhóm bạn bè UNCLOS 1982 nhận được sự quan tâm lớn của đại diện các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Sáng kiến này đã đáp ứng kịp thời sự quan tâm và nhu cầu đề cao vai trò, giá trị của UNCLOS 1982, thúc đẩy tuân thủ UNCLOS 1982, tạo cơ chế phối hợp cùng giải quyết thách thức đối với UNCLOS 1982 và thách thức trong lĩnh vực biển và đại dương. Nhiều nước, nhiều đại sứ tỏ rõ cam kết đóng góp cho UNCLOS một cách hòa bình, cam kết hành động dựa trên luật lệ. Đại diện nhiều quốc gia khẳng định UNCLOS 1982 là văn kiện toàn diện, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, là khuôn khổ cho hợp tác quốc tế, khu vực và quốc gia trong các lĩnh vực biển, đóng góp vào quản trị đại dương, duy trì trật tự pháp lý trên biển, giải quyết hòa bình tranh chấp. Tất cả quốc gia, bất kể điều kiện kinh tế-xã hội, địa lý, đều có lợi ích chặt chẽ trong tuân thủ thực hiện UNCLOS 1982.

Nhóm bạn bè của UNCLOS 1982 không phải là tổ chức có quyền ra quyết định mang tính ràng buộc pháp lý như Hội đồng Bảo an, nhưng sẽ tạo diễn đàn để đại sứ đại diện các nước có thể thảo luận cởi mở vấn đề luật biển, thu hẹp bất đồng, hiểu nhau hơn, đồng thời mỗi thành viên có thể đưa những vấn đề hóc búa liên quan tới biển, đại dương ở khu vực của mình ra để thảo luận, tham vấn. Với bất kỳ một quốc gia nào, khi có tranh chấp xung đột xảy ra thì cách giải quyết tốt nhất là dựa trên luật lệ và UNCLOS 1982 là một phần quan trọng trong luật pháp và trật tự quốc tế, là cơ sở luật pháp cho các nước để thực hiện các quyền lợi và trách nhiệm trên biển....

Khẳng định vai trò thượng tôn của luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông - ảnh 2Đảo Sinh Tồn. -Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Không chỉ các nước lớn quan tâm tới trật tự dựa trên luật pháp quốc tế có rất nhiều nước nhỏ cũng tham gia nhóm Bạn bè của UNCLOS 1982 bởi trong trường hợp xảy ra tranh chấp xung đột thì họ cho rằng phải dựa vào luật lệ quốc tế đã được thế giới công nhận chứ không phải luật của kẻ mạnh.

Khẳng định vai trò luật pháp quốc tế trong giải quyết các vấn đề ở Biển Đông

Thời gian qua, Biển Đông ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Mới đây nhất, ngày 1/7, trang tin của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) đăng bài viết với nhan đề “5 năm phán quyết Tòa trọng tài về Biển Đông: Nơi giao thoa của địa chính trị và luật pháp quốc tế” của Tiến sỹ Alexander Korolev và Tiến sỹ Irina Strelnikova thuộc Trường Kinh tế cao cấp (Nga), trong đó khẳng định phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye  (Hà Lan) vào tháng 7/2016 đã trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và luật pháp quốc tế có vai trò tối thượng trong giải quyết các tranh chấp này.

Các tác giả nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa các bên ở Biển Đông, khẳng định UNCLOS 1982 có tính ràng buộc pháp lý cao nhất đối với tất cả các bên ký kết, cũng như vai trò của phán quyết mà Tòa trọng tài đã đưa ra 5 năm trước. Theo các chuyên gia Nga, UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất thay thế bất kỳ quyền lịch sử hoặc các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán nào mà Trung Quốc vận dụng trong giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Các học giả Nga cũng đánh giá cao việc các nước ASEAN đang tích cực thảo luận về sự cần thiết phải thay thế Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) vốn đã lỗi thời bằng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), một công cụ có tính ràng buộc về mặt pháp lý, từ đó đóng vai trò nền tảng trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông.
Trước đó, tại hội thảo trực tuyến “Đánh giá mối đe dọa từ chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông”, các chuyên gia Indonesia cho rằng cần thiết phải xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) một cách chất lượng. Trong khi chưa có COC, tất cả các bên tiếp tục tuân thủ việc thực hiện các khuôn khổ luật pháp quốc tế đã có, như UNCLOS 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác