(VOV5) - Việt Nam cần tăng cường, phát huy "nội lực", vận dụng, khai thác hiệu quả "ngoại lực" và kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.
Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2023, do Quốc hội Việt Nam tổ chức ngày 19/9 tại Hà Nội, nhấn mạnh thông điệp phải xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức và tính bất định của các yếu tố bên ngoài. Đây là bài học quan trọng từ thực tế vươn lên của Việt Nam, khi đối diện với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt sau đại dịch Covid-19. Cụ thể hơn là Việt Nam cần tăng cường, phát huy "nội lực", vận dụng, khai thác hiệu quả "ngoại lực" và kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.
Với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững", Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 đã đánh giá tổng thể về năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế, các yếu tố ngoại lực phát sinh và các giải pháp để phát huy hiệu quả các động lực này trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Nâng cao năng lực, thúc đẩy động lực nội sinh của nền kinh tế
Các đại biểu cho rằng phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động sẽ nâng cao năng lực của nền kinh tế. Việc thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố này sẽ phát huy tổng hợp sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nêu ý kiến: Giải pháp thứ nhất là chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai là phải cải thiện môi trường kinh doanh, tháo bỏ rào cản tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Thứ ba là giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm lãi suất, giảm phí, giảm thuế, miễn phí, miễn thuế. Tất cả những giải pháp này làm tăng kích cầu tiêu dùng và đó cũng là một giải pháp giúp doanh nghiệp.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023. Ảnh: quochoi.vn |
Bên cạnh đó, theo các đại biểu, nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường đào tạo kỹ năng nghề, chú trọng đầu tư, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai. Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, nêu vấn đề: Những tiềm năng về con người, về khoa học công nghệ, đặc biệt chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng, là những năng lực bên trong để tạo động lực phát triển bền vững. Tăng cường năng lực nội sinh để chúng ta khơi dậy nguồn lực bên trong và kết nối với xu thế của thế giới, tạo ra vị thế quốc gia trong chuỗi kinh tế toàn cầu.
Vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực”
Theo các đại biểu, Việt Nam cần chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết và xúc tiến, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới, các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các ngành kinh tế mới, có công nghệ hiện đại, có kế hoạch đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, có kết nối, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước để đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới xuất khẩu bền vững. Cùng với đó là tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế xanh. Thạc sỹ Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, kiến nghị:Ưu tiên chính sách trong thúc đẩy chuyển đổi xanh. Đó là không chỉ có đầu tư trực tiếp cho năng lượng tái tạo mà đầu tư các cơ sở hạ tầng khác. Chúng ta đều kỳ vọng rất lớn vào một làn sóng đầu tư vào Việt Nam trước tác động tích cực của việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nước ổn định, hòa bình và có nhiều đối tác.
Kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế
Các đại biểu đưa ra nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào 05 động lực chủ yếu, bao gồm: (1) thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế; (2) phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa; (3) đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; (4) hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế; (5) nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế. Việc tăng cường phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng được đề cập. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng:Thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển vẫn là một trong những yêu cầu quan trọng. Việc hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân cần được đặc biệt quan tâm. Đột phá về thể chế là cách khơi dậy nguồn lực tốt nhất cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Nền kinh tế thế giới đang trải qua những biến đổi khó lường, như một con tàu không có hải trình trên một đại dương mênh mông. Bởi vậy, năng lực nội sinh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp, là khả năng chống chịu. Khả năng chống chịu sẽ là năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và của các doanh nghiệp.
Cuối cùng, các đại biểu cho rằng cải cách và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế là động lực đột phá giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới và tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn, minh bạch.Vượt qua các khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng, vai trò quyết định của nội lực và tính tự chủ trong phát triển kinh tế. Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng cũng là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết của Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay.