(VOV5)- Hôm nay tại thủ đô London, Anh khai mạc Hội nghị với chủ đề “Tương lai của Châu Âu trong nền kinh tế toàn cầu”. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đã bước sang năm thứ 3 liên tiếp và khu vực này đang tiếp tục chìm sâu vào suy thoái, việc tìm ra được những biện pháp và hành động cụ thể để phá thế bế tắc hiện nay vẫn đang là bài toán khó mà các nhà lãnh đạo Châu Âu chưa tìm ra lời giải. Sự thiếu đồng thuận về chính sách được các nhà phân tích nhìn nhận là một trong những nguyên nhân khiến “lục địa già” loay hoay trên con đường đưa khu vực quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Báo cáo mùa xuân mà Ủy ban châu Âu EC công bố đầu tháng này đã tô thêm gam mầu tối lên bức tranh kinh tế tổng thể của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (eurozone). Những dấu hiệu tiêu cực đang phát đi hồi chuông cảnh báo khiến giới phân tích không thể loại trừ nguy cơ thế giới rơi vào cuộc đại suy thoái mới. Một trong những bằng chứng rõ nhất của nguy cơ này là tỷ lệ thất nghiệp của Châu Âu lên mức cao kỷ lục 12,1%, trong đó hai quốc gia Hy Lạp và Tây Ban Nha tỷ lệ này đã vượt mức kỷ lục của Mỹ trong thời kỳ đại suy thoái diễn ra đầu những năm 1930. Ở hai quốc gia được coi là “có sức khỏe” nhất ở Châu Âu là Pháp và Đức, doanh số bán ô tô-ngành công nghiệp mũi nhọn- đã giảm gần 20% trong quý 1, còn tại Hà Lan, nợ tiêu dùng đã tăng lên khoảng 250% thu nhập ròng. Sản lượng công nghiệp của Italia giảm 25% trong 5 năm qua, còn tỷ lệ nợ công tính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng lên 136%. Số doanh nghiệp Tây Ban Nha nộp đơn xin phá sản tăng 45% so với 1 năm trước. Hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân trên toàn eurozone trong tình trạng yếu kém. Dấu hiệu đáng lo ngại nữa
Những con số trên đang chứng minh một điều suy thoái kinh tế toàn diện đang hoành hành khắp Châu Âu và dự báo rất có khả năng lan rộng ra toàn cầu. Nhiều câu hỏi lớn đặt ra về tình hình kinh tế EU hiện nay: Các chính sách tài khóa liệu đã tối ưu? Hiệu quả của chính sách kích thích tiền tệ đến đâu và tác dụng lan tỏa trong chính sách của một quốc gia đến các quốc gia khác thế nào?... Đã có nhiều ý kiến chỉ trích tình trạng suy thoái ngày càng trầm trọng ở EU là do chính sách khắc khổ khiến nền kinh tế không thể phát triển. Ngay cả Chủ tịch Ủy ban Châu ÂU EC Jose Manuel Barroso mới đây thậm chí cũng lên tiếng cho rằng sự ủng hộ của người dân đối với các biện pháp khắc khổ đã đến giới hạn, nhất là khi làn sóng biểu tình phản đối diễn ra rầm rộ khắp Châu Âu. Do vậy, EC đã quyết định nới lỏng các biện pháp thắt lưng buộc bụng cho một số nước, thông qua việc cho phép kéo dài thời hạn giảm thâm hụt ngân sách. Nhưng trái lại, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde khẳng định không có sự lựa chọn nào thay thế cho các chính sách thắt lưng buộc bụng đang được áp dụng trên toàn châu Âu. Các chương trình kích thích kinh tế là giải pháp không khả thi bởi chỉ làm gia tăng gánh nặng nợ công. Có thể thấy rõ sự thiếu đồng thuận này nằm ở quan điểm khác biệt trong nhìn nhận các vấn đề kinh tế EU hiện nay giữa đại diện các quốc gia.
Ngay tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra hôm qua tại Brussel, Bỉ, vấn đề chính sách năng lượng và chống trốn thuế, với kỳ vọng của các nhà lãnh đạo EU, là sẽ tạo bước đột phá, là tiền để chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo nhằm đưa ra các quyết sách lớn phá thế bế tắc hiện nay, cũng không tìm được tiếng nói chung. Trong khi Đức, Ý, Anh, Pháp thống nhất với quan điểm của người đứng đầu Hội đồng Châu Âu Van Rompuy cho rằng để bảo đảm tất cả các chính sách của EU đóng góp đầy đủ cho khả năng cạnh tranh, việc làm và tăng trưởng của các thành viên trong khối, cần phải xây dựng cơ chế trao đổi thông tin ngân hàng từ nay đến cuối năm để tránh tình trạng trốn thuế gây tổn thất cho EU, thì Áo và Luxembourg là hai quốc gia kiên quyết phản đối đề xuất này. Ireland, nước đang nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên EU lại tỏ ra hết sức thận trọng, cho rằng EU cần phải thương lượng với các nước thứ ba, nhằm tránh bóp mép sự cạnh tranh. Tương tự, đối với vấn đề năng lượng, một số nước ủng hộ phát triển năng lượng than đá, gồm Anh, Hungary, Ba Lan, Romania và Tây Ban Nha, nhưng bên cạnh đó cũng có một số nước phản đối vì lý do môi trường, trong đó có Pháp. Sự chia rẽ này đã buộc Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite phải lên tiếng kêu gọi EU đi tới thống nhất lập trường. Bởi vậy, trong tuyên bố dự thảo của hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng chỉ dừng lại ở mức kêu gọi thông qua các quy định tự động chia sẻ thông tin về tài khoản tiết kiệm vào trước cuối năm nay cũng như phải minh bạch hơn nữa thuế nhập khẩu năng lượng, một kết quả hết sức mơ hồ.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy. (Ảnh: AP)
Rõ ràng, chính sự không đồng thuận trong quan điểm giữa các thành viên EU đã phá sản kế hoạch ban đầu của khối này trong việc tạo sự đồng thuận để giải quyết vấn đề chung. Phía trước tương lai của kinh tế Châu Âu vẫn mịt mù là điều đã được dự báo. Kinh tế EU chưa có dấu hiệu phục hồi để tăng trưởng bởi những rào cản liên quan đến quyền lợi, lợi ích của từng quốc gia./.