(VOV5) - thời điểm hiện tại, việc phát triển công nghệ số và kinh tế số được xem là cốt lõi để Việt Nam tận dụng cơ hội đón làn sóng đầu tư hấp dẫn từ nhiều nước.
Đại dịch Covid-19 gây tác động lớn chưa từng có trên quy mô toàn cầu. Việt Nam với thành công trong phòng, chống dịch đã và đang khôi phục lại các hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Điều đáng nói là khi có có cơ hội trở thành điểm đến hàng đầu của làn sóng đầu tư mới trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu vốn bị đứt gãy khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều chính sách phát triển kinh tế số để đón làn sóng đầu tư mới.
Ảnh đồ họa - cafe.vn |
Hiện nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, như: Apple, Samsung, LG, TIBCO Software, Daikin, Microsoft... đang tái thúc đẩy đầu tư, mở rộng các nhà máy tại Việt Nam. Do đó, các chuyên gia nghiên cứu nhận định Việt Nam đang có cơ hội tham gia nhóm “Bộ tứ kim cương” gồm: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ nhằm mục tiêu tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19.Trong khi đó, việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, sẽ thảo luận, thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ càng mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư từ nước ngoài trong thời gian tới.
Tại thời điểm hiện tại, việc phát triển công nghệ số và kinh tế số được xem là cốt lõi để Việt Nam tận dụng cơ hội đón làn sóng đầu tư hấp dẫn này. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật số sẽ tạo cơ sở và lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Nền kinh tế số tạo môi trường cho các doanh nghiệp gia tăng liên kết, hợp tác, tương tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và xuất khẩu, chắc chắn sẽ đưa Việt Nam trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong một động thái đón trước cơ hội, tháng 9/2019, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mở ra cánh cửa rộng thoáng, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng cộng sản trong phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Chủ trương lớn của Đảng đã tạo cơ sở định hướng, động lực, quyết tâm lớn cho các bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình phát triển công nghệ số, kỹ thuật số trước cơ hội đón nhận các làn sóng đầu tư mới.
Dây chuyền lắp ráp ô tô du lịch tại nhà máy THACO (Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). - Ảnh: TTXVN. |
Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển nền kinh tế số. Thành phố Hồ Chí Minh, với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đã gấp rút hoàn thiện đề án phát triển đô thị sáng tạo phía đông thành phố, sớm xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tỉnh Bình Dương cũng gấp rút triển khai phát triển đề án “Vùng đô thị thông minh” gắn với các khu công nghệ cao, chuyên sâu phục vụ các nhà đầu tư về công nghệ để thay thế các ngành truyền thống, như: may mặc, dệt may, chế biến… Cùng với đó, các bộ, ngành đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp, như: phát triển hạ tầng kết nối internet, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu giúp chuyển đổi sản xuất gắn liền với môi trường internet, xây dựng và hoàn thiện các nền tảng, thể chế cho các mô hình kinh doanh số.
Làn sóng đầu tư mới sau dịch Covid-19 mang tính thời điểm và là cơ hội lớn cho Việt Nam. Do đó, việc đẩy mạnh hiện thực hóa Nghị quyết số 52/NQ-TW của Bộ Chính trị, trong đó tập trung phát triển kinh tế số mang tính đồng bộ, kết nối cao, hướng đến cởi bỏ những rào cản trong thủ tục hành chính; cấp phép, điều chỉnh đầu tư; khai báo thuế, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp… trên môi trường công nghệ số là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Những chính sách kịp thời để hỗ trợ, tạo môi trường cho nhà đầu tư ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, sẽ không để lỡ cơ hội từ làn sóng đầu tư mới, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, tạo được niềm tin về vùng “đất lành” Việt Nam của các nhà đầu tư trong chuỗi cung ứng toàn cầu.