Kinh tế thị trường và quan điểm nhất quán của Việt Nam

(VOV5) - Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề rường cột trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. 

Trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội của Đảng cộng sản Việt Nam, vấn đề này luôn được coi là một nội dung trọng tâm, cần phải được quán triệt cả về nhận thức và hành động. Trên thực tế, Việt Nam đã hội tụ các yếu tố của nền kinh tế thị trường, đạt được những thành quả phát triển không thể phủ nhận.

Kinh tế thị trường và quan điểm nhất quán của Việt Nam  - ảnh 1Ảnh minh họa: VTV

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Quan điểm nhất quán  

Tại Việt Nam, khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được chính thức sử dụng trong các văn kiện Đại hội IX của Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 4/2001). Theo đó, Đảng và Nhà nước chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội lần thứ XII của Đảng (tháng 1/2016) tiếp tục bổ sung, phát triển: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.   

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) nhấn mạnh việc hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, tập trung vào việc thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: "Mục tiêu của Việt Nam tất cả là vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là mục tiêu cao nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nói cách khác, kinh tế thị trường của Việt Nam là kinh tế tuân thủ tất cả các yêu cầu, quy luật, thông lệ và cam kết quốc tế để phục vụ cho con người, lấy con người là mục tiêu, là động lực phát triển cao nhất."

Những thành quả không thể phủ nhận

Từ những định hướng mang tính chất là kim chỉ nam nêu trên, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, một trong những thành công của Việt Nam là đã hoàn thiện, đồng bộ được các thể chế để nền kinh tế vận hành thông suốt. Hệ thống pháp luật của Việt Nam đến thời điểm hiện nay, đặc biệt là sau khi Hiến pháp 2013 ra đời, hầu hết các luật được ban hành đều tương thích với hệ thống luật quốc tế và tương thích với các điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Đến nay chưa có tổ chức nào trên thế giới trong hợp tác đa phương và song phương phản ánh Việt Nam chưa thực hiện cam kết.

Kinh tế thị trường và quan điểm nhất quán của Việt Nam  - ảnh 2TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế. Ảnh: congthuong.vn

Việt Nam cũng là quốc gia về đích sớm trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Quan niệm của Việt Nam về an sinh xã hội, về định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường đã được thế giới ghi nhận thông qua việc xóa đói, giảm nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau.

Giảng viên cấp cao chuyên ngành kinh tế tại Đại học Deakin (Australia), Tiến sĩ Công Phạm khẳng định Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007 và hiện đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP)….. Các FTA đã ký kết đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với luật chơi cạnh tranh gay gắt, đồng thời thúc đẩy Việt Nam áp dụng những hành vi cạnh tranh tự do.

Một điểm nữa thể hiện Việt Nam đã phát triển rất nhanh từ một nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, đó là sự ra đời của các công ty tư nhân và các công ty khởi nghiệp. 

Đánh giá về sự đóng góp của kinh tế tư nhân, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, cho rằng: "Giai đoạn 2016 - 2021, kinh tế tư nhân chiếm bình quân 46% GDP. Kỳ vọng đến 2025 đạt 55%. Kinh tế tư nhân hiện sử dụng khoảng 85% lao động cả nước, đóng góp khoảng 1/3 ngân sách Nhà nước."

Ngoài ra, thị trường tài chính Việt Nam đang phát triển nhanh với mức vốn hóa của thị trường chứng khoán tăng đáng kể qua thời gian.

Đến tháng 8 năm nay, đã có 73 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó có các nền kinh tế lớn, như: Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... Điều này phản ánh đúng thực tế về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập vào nền kinh tế thế giới
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác