(VOV5) - Khu vực kinh tế tư nhân, một trong ba thành phần của kinh tế Việt Nam, chiếm tỷ trọng lớn với hơn 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đây cũng là khu vực rất quan trọng đối với nền kinh tế. Thực tế cho thấy nếu khu vực tư nhân không được chú trọng phát triển một cách tương xứng thì Việt Nam không thể tạo ra được động lực phát triển bền vững mà tính tự chủ nền kinh tế cũng trở nên yếu kém. Đây là lý do mà phát triển khu vực tư nhân trở thành chủ đề thảo luận chính tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2014 (VDPF 2014) hôm nay, tại Hà Nội.
|
Quang cảnh Diễn đàn (Ảnh: Báo Công thương) |
Hiến pháp của Việt Nam năm 2013 lần đầu tiên hiến định vai trò của doanh nhân. Trong Quốc hội hiện nay có sự tham gia của đội ngũ doanh nhân với 36 đại biểu có tiếng nói trực tiếp trong cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Cải cách kinh tế của Việt Nam thời gian qua thực chất là quá trình khẳng định sự khôi phục lại vai trò kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Khi Việt Nam thực hiện quá trình đổi mới, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân dần được xác lập lại với nỗ lực của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2000, Luật Doanh nghiệp xác lập khuôn khổ pháp lý của khu vực kinh tế tư nhân.
Khối tư nhân trong cục diện kinh tế Việt Nam
Khu vực tư nhân có vai trò ngày càng quan trọng trong tổng thể nền kinh tế Việt Nam. Trước đổi mới năm 1986, Việt Nam có khoảng 15.000 doanh nghiệp tư nhân. Qua quá trình phát triển, hiện con số này tăng lên gấp 40 lần. Trong khi đó, trước đổi mới, Việt Nam có trên 10.000 thuộc khu vực doanh nghiệp Nhà nước, còn thời điểm hiện tại chỉ còn 1.000 doanh nghiệp. Và theo tiến trình cổ phần hóa đến hết năm 2015, con số này còn tiếp tục giảm để phù hợp với tiến trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 mà Việt Nam tham gia cũng như đáp ứng yêu cầu khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và tham gia đàm phán các hiệp định thương mại lớn như Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Như vậy, xét về mặt số lượng, khu vực kinh tế tư nhân đang trở thành lực lượng chiếm số đông trong nền kinh tế, đóng góp rất quan trọng trong việc tạo ra công ăn việc làm, tạo ra nguồn thu của ngân sách, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đưa ra thông điệp: “Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển doanh nghiệp tư nhân và coi đây là một động lực chủ yếu để phát triển nền kinh tế Việt Nam”. Thông điệp này một lần nữa được khẳng định lại tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2014 vừa diễn ra cách đây ít ngày.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Chính phủ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá là tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng có kết quả cao hơn so với năm 2014 trên các lĩnh vực đầu tư hạ tầng. Chính phủ huy động các nguồn lực đặc biệt là nguồn lực tư nhân, nguồn lực ngoài xã hội, nguồn lực nước ngoài đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Chính phủ Việt Nam đặt trọng tâm khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút, tạo thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam".
Kỳ vọng vào sự phát triển của khối tư nhân trong tương lai
Theo nhận định của các chuyên gia trong nước và quốc tế, khối doanh nghiệp tư nhân có những đóng góp thiết thực và hiệu quả vào nền kinh tế Việt Nam, không chỉ thể hiện trong các chỉ số kinh tế khả quan mà còn góp phần tạo việc làm cho người dân cũng như giúp giảm tỷ lệ đói nghèo trên cả nước. Để khối tư nhân thực sự phát huy được vai trò và thế mạnh trong bối cảnh hiện nay, bà Wendy Werner, Giám đốc Bộ phận Thương mại và Cạnh tranh, Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, của Ngân hàng thế giới, cho rằng: "Cách đây vài năm, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải trải qua giai đoạn khó khăn, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy được sự phát triển ở đó. Chúng tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp tư nhân luôn có một tinh thần kinh doanh mạnh mẽ. Tinh thần này cần được khuyến khích bởi những chính sách tốt hơn, được tiếp cận với nguồn tài chính tốt hơn và thực sự là một cấu trúc theo định hướng thị trường cho nền kinh tế trong tương lai".
Không chỉ về mặt kinh tế, tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân đặc biệt quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách của Việt Nam. Hiện nay, tất cả các văn bản pháp luật liên quan đến kinh tế đều được Quốc hội, Chính phủ yêu cầu trước khi ban hành phải có ý kiến của doanh nghiệp tư nhân thông qua Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI). Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng: "Chúng ta đang bắt đầu và cần bắt đầu một chương trình tổng thể để tái khởi động lại khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước để đảm bảo khu vực này có thể song hành được với các doanh nghiệp Nhà nước cũng như song hành và cùng hưởng lợi với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ hiện diện nhiều hơn trong nền kinh tế Việt Nam".
Với kinh nghiệm làm việc tại hơn 20 quốc gia, ông Antony Nezic, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Canada (CANCHAM), cho biết: "Tôi thấy rằng người Việt Nam thì thích khởi nghiệp kinh doanh, cả đất nước đều như vậy. Tôi mong chờ rằng sẽ có thêm những sự ra đời của các dự án khởi nghiệp quốc nội do chính người Việt Nam tạo ra. Hy vọng rằng các dự án tư nhân đó có khả năng tồn tại, phát triển và cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế".
Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng thế giới, ông Jim Yong Kim đã nói: "Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng. Nếu phát huy đầy đủ sức mạnh và khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân, hàng triệu người Việt Nam sẽ có cơ hội có được những việc làm tốt và cùng chung hưởng sự thịnh vượng của đất nước." Những hoạt động, chính sách hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ dành cho các doanh nghiệp tư nhân cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong quá trình phát triển khu vực tư nhân để xây dựng nền kinh tế bền vững và tự chủ./.