Kỷ nguyên mới trong quan hệ EU - Anh

(VOV5) - Thỏa thuận cho phép chính phủ Anh đạt được mục tiêu quan trọng còn thiếu trong Thỏa thuận Brexit.

Sau quá trình đàm phán kéo dài với đầy rẫy trở ngại, mới đây, Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Anh đã đạt được thỏa thuận quan trọng về giải quyết tình trạng bế tắc thương mại giữa hai bên giai đoạn hậu Brexit (Anh rời khỏi EU), cũng như khắc phục một số bất cập trong Nghị định thư Bắc Ireland. Ngày 27/3 vừa qua, hai bên chính thức ký thực thi Khung thỏa thuận Windsor, mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa EU và Anh.    

Được ví như Thỏa thuận Brexit phiên bản mới, Khung thỏa thuận Windsor (còn gọi là Khuôn khổ Windsor) được Chính phủ Anh và Ủy ban châu Âu (EC) thống nhất hồi cuối tháng 2 năm nay, sau hơn 2 năm ròng đàm phán đầy khó khăn. Việc thực thi Khuôn khổ Windsor được cho là sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn với cả hai bên, nhất là với nước Anh, sau thời gian dài chịu tác động nặng nề của Brexit. Trong đó, việc giải quyết Nghị định thư Bắc Ireland có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là một phần trong thỏa thuận Brexit với mục đích là tránh việc thiết lập đường biên giới trên bộ giữa vùng Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland, mà vẫn bảo đảm hàng hóa từ Anh sang EU phù hợp các tiêu chuẩn của thị trường chung châu Âu.

Những nội dung đáng chú ý của Khung thỏa thuận Windsor

Khung thoả thuận Windsor có những điều chỉnh quan trọng liên quan đến chủ đề gây tranh cãi nhất trong Thỏa thuận Brexit ký cuối năm 2019 là vấn đề Bắc Ireland. Theo đó, vấn đề Bắc Ireland được thống nhất giải quyết bằng các nhượng bộ giữa EU và Anh, được đích thân Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đàm phán và hoàn tất tại London (Anh).

Cụ thể, theo Khung thỏa thuận Windsor, hàng hóa từ các phần lãnh thổ khác của Vương quốc Anh chuyển đến Bắc Ireland sẽ được phân thành hai làn (Xanh - Đỏ). Làn (Xanh) dành riêng cho Bắc Ireland sẽ được tự do lưu chuyển, không chịu bất kỳ hoạt động kiểm tra hải quan nào từ EU. Trong khi đó, làn (Đỏ) dành cho thị trường EU phải thông qua việc kiểm tra. Bên cạnh đó, EU cũng chấp nhận một điều khoản mang tên “Phanh Stormont”. Theo đó, EU trao cho Nghị viện Stormont ở Bắc Ireland cơ chế “phanh khẩn cấp”, được phép dừng các điều luật của EU áp dụng tại Bắc Ireland nếu có mâu thuẫn với lợi ích và các điều luật tại Bắc Ireland. Đổi lại, nước Anh cho phép Tòa Tư pháp châu Âu có quyền phán xử trong các vụ việc liên quan đến châu Âu tại Bắc Ireland.

Kỷ nguyên mới trong quan hệ EU - Anh - ảnh 1Anh và EU ký Khung thỏa thuận Windsor. Ảnh: VOV

Theo đánh giá của cả hai bên cũng như nhiều chuyên gia khu vực và quốc tế, Khung thỏa thuận Windsor là một thoả thuận mang tính thỏa hiệp cao giữa EU và Anh. Thỏa thuận cho phép chính phủ Anh đạt được mục tiêu quan trọng còn thiếu trong Thỏa thuận Brexit là được tự do lưu chuyển hàng hóa trong thị trường nội địa Vương quốc Anh. Còn với EU, một trong những quyền lợi to lớn đạt được là duy trì được quyền phán xử của Tòa Tư pháp châu Âu tại Bắc Ireland, cũng như việc kiểm soát hải quan một cách tương đối đối với hàng hóa của Anh. Đặc biệt, với Thỏa thuận mới, EU có thể bảo vệ được thỏa thuận hoà bình “Ngày thứ Sáu tốt lành” đạt được năm 1998 về chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 3 thập kỷ và khiến gần 3.500 người thiệt mạng ở đảo Ireland.

Tác động tương lai quan hệ hợp tác EU-Anh

Theo các chuyên gia, Khung thỏa thuận Windsor sẽ có tác động lớn tới tương lai quan hệ giữa EU và Anh.

Trước hết, hai bên đều hướng tới ưu tiên hợp tác với nhau, dành cho nhau những cơ hội hợp tác quan trọng để cùng phát triển. Trong đó, một trong những lĩnh vực hợp tác mà EU và Anh có thể mở ra ngay lập tức sau khi ký thực thi Khung thoả thuận Windsor là việc Anh được tiếp cận với hệ thống nghiên cứu của châu Âu mang tên Horizon Europe, chương trình nghiên cứu và đổi mới đầy tham vọng của EU cho giai đoạn 2021-2027. Đây là một chương trình nghiên cứu và đổi mới khoa học quy mô lớn với ngân sách lên tới hơn 95 tỷ euro, được khởi động từ năm 2021 và kéo dài đến 2027. Việc được tham gia vào chương trình này được đánh giá là sẽ giúp ích rất lớn cho giới nghiên cứu và học thuật cũng như cả nền khoa học của nước Anh.

Quan trọng hơn, việc đạt được thỏa thuận mới giúp cho EU và Anh có được căn cứ và nền tảng quan trọng để xây dựng lại niềm tin chiến lược vốn bị rạn nứt nghiêm trọng trong giai đoạn hậu Brexit. Một trong những tín hiệu rõ ràng minh chứng cho xu hướng đó là việc nước Pháp, một trong những đầu tàu của EU (cùng với Đức, Italy) đã thay đổi cách tiếp cận với Anh, bằng việc tổ chức Thượng đỉnh Anh - Pháp đầu tiên sau 5 năm hồi tháng 2 vừa qua. Hội nghị được tổ chức chỉ ít ngày sau khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen hoàn tất Khung thỏa thuận Windsor. Bên cạnh đó, truyền thông châu Âu cũng đang loan báo về khả năng Anh sẽ sớm khởi động lại các cuộc đàm phán quan trọng với Tây Ban Nha về vấn đề chủ quyền của Gibraltar…

Có thể khẳng định rằng với việc chính thức ký thực thi Khung thỏa thuận Windsor, EU và Anh đã thiết lập một cột mốc mới, bước vào kỷ nguyên quan hệ hợp tác mới, giúp hai bên có thể tập trung nguồn lực cho các ưu tiên quan trọng hơn trong bối cảnh cục diện địa chính trị tại châu Âu biến động sâu sắc vì cuộc xung đột kéo dài hơn một năm qua và chưa xác định hồi kết tại Ukraine.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác