Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trên mọi lĩnh vực

(VOV5) - Từ năm 2016 đến nay, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển tích cực với nền tảng quan hệ vững chắc và tin cậy chính trị cao.

Hôm nay (31/07), Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ trong ngày 31/07 và 01/08, theo lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị người đứng đầu Chính phủ và là chuyến thăm chính thức Ấn Độ đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sau 10 năm. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa 2 nước trên mọi lĩnh vực.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là một trong những nhà Lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời thăm Ấn Độ sau khi Ấn Độ bầu cử Hạ viện và có Chính phủ nhiệm kỳ mới vào tháng 6 vừa qua. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển tích cực với nền tảng quan hệ vững chắc và tin cậy chính trị cao.

Sự phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ truyền thống và hữu nghị bền chặt, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ tiền bối của Ấn Độ như Mahatma Gandhi, Jawahalal Nehru cùng các thế hệ Lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Năm 2016, hai nước đã xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng hai bên sau khi xác lập khuôn khổ quan hệ mới.

Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trên mọi lĩnh vực - ảnh 1Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược toàn diện với Ấn Độ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Từ năm 2016 đến nay, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển tích cực với nền tảng quan hệ vững chắc và tin cậy chính trị cao. Theo đó, quan hệ kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân được mở rộng, thường xuyên duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, các kênh, các cơ chế hợp tác đối thoại…

Hợp tác Quốc phòng - an ninh là trụ cột quan trọng và ở tầm cao chiến lược với việc hai nước ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng và Bản ghi nhớ về tương hỗ hậu cần (tháng 06/2022). Hợp tác trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch đều phát triển tích cực.

Về hợp tác thương mại – đầu tư giữa 2 nước thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Phạm Thanh Bình, cho biết: "Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 2,5 lần kể từ khi hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện (năm 2016), đạt gần 15 tỷ USD trong năm 2023. Hai nước còn nhiều tiềm năng trong hợp tác thương mại - đầu tư với nhiều thế mạnh như thị trường đông dân nhất thế giới, kinh tế phát triển năng động.

Các tập đoàn lớn của Ấn Độ đang thúc đẩy triển khai hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực chiến lược, như: năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, dầu khí, dược phẩm, hạ tầng cảng biển, logistics. Về phía Việt Nam, Tập đoàn Vinfast đã khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất ô tô tại bang Tamil Nadu, với số vốn cam kết 2 tỷ USD."

Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trên mọi lĩnh vực - ảnh 2Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Phạm Thanh Bình. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Cùng với đó, hai nước đang thúc đẩy và tăng cường hợp tác sang các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng, như: năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, chuyển đổi số và công nghệ thông tin, nông nghiệp thông minh và dược phẩm… Hai nước cũng phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và tại các diễn đàn khu vực do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn dắt.

Nhận xét tổng thể về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Giáo sư Srikanth Kondapalli, nhà nghiên cứu về khu vực Đông Á của Trường Nghiên cứu quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ, cho rằng: "Trước đây, chúng ta chỉ có thể ký kết các thỏa thuận trong các chuyến thăm của Bộ trưởng ngoại giao, Tổng thống, Thủ tướng. Nhưng ngày nay, hợp tác đã được thể chế hóa, nghĩa là chúng ta hiện đang có nhiều hợp tác toàn diện và đối thoại toàn diện hơn. Nếu có vấn đề, hai bên sẽ thành lập các cơ chế hợp tác để xem xét, đánh giá, và thảo luận về những gì cần làm để giải quyết vấn đề. Kết quả là chúng ta không có bất kỳ sự đình trệ nào trong quan hệ song phương những năm qua. Ngay cả khi có một cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997, hoặc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chúng ta vẫn có thể phối hợp, hợp tác cùng nhau."

Làm sâu sắc quan hệ truyền thống Việt Nam - Ấn Độ trên mọi lĩnh vực

Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính có các cuộc hội đàm, hội kiến với các lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ; dự các diễn đàn, tọa đàm với doanh nghiệp hai nước; tiếp các các tập đoàn kinh tế hàng đầu Ấn Độ; phát biểu chính sách…

Hai bên sẽ thảo luận, đề ra phương hướng đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về thương mại – đầu tư, với các ngành năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, dược phẩm, hạ tầng, logistics, hàng không, công nghiệp ô tô, khoa học công nghệ, thông tin-viễn thông, công nghệ số, giáo dục – đào tạo, văn hóa – du lịch, giao lưu nhân dân, nông nghiệp...

Thứ trưởng Phạm Thanh Bình cho biết: "Chuyến thăm được hai bên chuẩn bị chu đáo, trọng thị, chương trình phong phú, nội dung sâu rộng, thực chất, với trọng tâm chính là làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực, đáp ứng những thay đổi của tình hình hiện nay về địa chính trị - kinh tế; một mặt củng cố các lĩnh vực hợp tác truyền thống, đồng thời mở rộng ra những lĩnh vực hai bên có tiềm năng, thế mạnh như điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, dược phẩm, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, AI, bán dẫn, vật liệu mới, khoáng sản thiết yếu... Chuyến thăm cũng là cơ hội để hai nước tăng cường chia sẻ về các vấn đề an ninh, chiến lược ở khu vực, quốc tế và khẳng định sự ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương cùng quan tâm."

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược Toàn diện với Ấn Độ, góp phần thắt chặt quan hệ giữa Lãnh đạo hai nước, nhất là giữa hai Thủ tướng. Chuyến thăm cũng góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đi vào thực chất, hiệu quả hơn, cả về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác