Liên hiệp quốc hướng đến cải tổ và định hình tương lai mới

(VOV5) - Các quốc gia cần phải có một quyết tâm chung để duy trì và thúc đẩy các mục tiêu phát triển tham vọng đã được thông qua trước đó trong khuôn khổ Liên hợp quốc

Đại hội đồng Liên hiệp quốc, hôm 10/09, khai mạc phiên họp toàn thể đầu tiên của Khóa 79, với quyết tâm cải tổ và hành động quyết liệt hơn để đối phó với các thách thức ngày càng tăng về hòa bình, an ninh, môi trường và quản trị toàn cầu. Khóa 78 Đại hội đồng Liên hiệp quốc (UNGA-78) khép lại ngày 10/08 tại New York (Mỹ). Cùng ngày (10/08), Khóa 79 ĐHĐ LHQ chính thức khai mạc, với Chủ tịch mới là ông Philemon Yang, quốc tịch Cameroon.  

Liên hiệp quốc hướng đến cải tổ và định hình tương lai mới - ảnh 1 Khóa họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: UN

Năm biến động của LHQ

Trong bài phát biểu tại phiên bế mạc Khóa 78 ĐHĐ LHQ, Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres nhấn mạnh cộng đồng quốc tế vừa trải qua 1 năm biến động dữ dội khi đói nghèo, bất bình đẳng xã hội và xung đột xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, đồng thời đây cũng là năm nóng nhất mà Trái Đất từng trải qua. Xung đột tại dải Gaza giữa Israel và lực lượng Hamas, bùng phát vào tháng 10 năm ngoái, hiện vẫn đang kéo dài trong bế tắc trong khi xung đột tại Ukraine sắp bước vào năm thứ 3. Bên cạnh đó, nội chiến tại Sudan, bạo loạn tại Haiti cùng nguy cơ xung đột tăng cao tại nhiều nơi khác trên thế giới khiến gánh nặng duy trì hòa bình và an ninh đè nặng lên LHQ. Theo Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 78 (UNGA-78), ông Dennis Francis, không phải là quá lời khi cho rằng những tổn thương do con người gây ra trên khắp thế giới trong năm qua đã vượt quá mức tưởng tượng, buộc LHQ phải nâng tầm để đủ sức đối mặt với các thách thức ngày càng phức tạp này: “LHQ được tôi rèn trong khói lửa của hai cuộc đại chiến, với nguyện thề trang nghiêm về việc ngăn cho các thế hệ tương lai tránh được thảm họa chiến tranh. Do đó, LHQ cần phải vươn lên để đáp ứng các đòi hỏi cao nhất và hoàn thành sứ mệnh duy trì hòa bình và an ninh, trong bối cảnh xung đột lan rộng từ Ukraine, Haiti đến Trung Đông, châu Phi”.

Liên hiệp quốc hướng đến cải tổ và định hình tương lai mới - ảnh 2Tổng Thư ký LHQ Guterres kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế đối phó các thách thức. Ảnh: REUTERS

Nhắc lại chủ đề của khóa họp Đại hội đồng thứ 78 là "Tái xây dựng lòng tin và Khơi dậy tinh thần Đoàn kết toàn cầu: Thúc đẩy hành động Chương trình nghị sự 2030 và Các mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người", ông Dennis Francis hối thúc các quốc gia phối hợp cùng LHQ hoàn thành sứ mệnh cao nhất của tổ chức này là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời ứng phó tốt hơn với các thách thức an ninh phi truyền thống, như: biến đổi khí hậu, bất bình đẳng công nghệ hay các rủi ro của trí tuệ nhân tạo. Chủ tịch UNGA-78 cảnh báo nếu thế giới tiếp tục chuyển động theo quĩ đạo hiện nay, hàng triệu người sẽ đối mặt với đói nghèo vào năm 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sẽ ngày càng xa vời.

Chia sẻ lo ngại này, TTK LHQ, Antonio Guterres cho rằng các quốc gia cần phải có một quyết tâm chung để duy trì và thúc đẩy các mục tiêu phát triển tham vọng đã được thông qua trước đó trong khuôn khổ LHQ. Người đứng đầu tổ chức đa phương quan trọng nhất thế giới cũng nhấn mạnh trong Khóa 78 vừa qua, ĐHĐ LHQ đã thông qua được Tuyên bố chính trị tại Thượng đỉnh SDG tháng 09 năm ngoái. Sự kiện này cho thấy việc hoàn tất 17 SDGs là lợi ích chung của mọi quốc gia và các quốc gia cần coi đây là nền tảng để đối thoại, tránh đẩy hệ thống quốc tế vào tình trạng đổ vỡ: “LHQ cũng như hệ thống đa phương chỉ hoạt động hiệu quả khi các quốc gia thành viên cùng cam kết. Những thách thức mà nhân loại đang đối mặt không phải là không thể vượt qua được nếu chúng ta hợp tác cùng nhau”.

Cải tổ và hướng tới tương lai

Trong ngày khép lại Khóa 78 (10/09), ĐHĐ LHQ cũng chính thức khai mạc phiên họp đầu tiên của Khóa 79 (UNGA-79). Theo các lãnh đạo LHQ, hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của UNGA-79 là thúc đẩy việc cải tổ mạnh mẽ LHQ và định hình tương lai chung của thế giới, thông qua Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, diễn ra từ 22-23/09 tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), ngay trước khi bắt đầu Tuần lễ Cấp cao của UNGA-79 (24/09). Tại Thượng đỉnh Tương lai, dự kiến LHQ sẽ thông qua 3 văn kiện quan trọng, gồm: Hiệp ước Tương lai; Hiệp ước số toàn cầu và Tuyên bố về các thế hệ tương lai. Guy Ryder, Phó TTK LHQ phụ trách Chính sách, cho biết:“Ý tưởng của Thượng đỉnh Tương lai là làm sao để LHQ trở thành một hệ thống đa phương hiệu quả hơn trong việc thực thi các sứ mệnh của mình, đồng thời giúp LHQ có sự tham gia đầy đủ và kết nối tốt hơn. Điều này xuất phát từ các thách thức toàn cầu mà chúng ta đang phải đối mặt, cũng như thực tế là thế giới đã thay đổi nhanh chóng, rất nhiều vấn đề trong cấu trúc quản trị hiện nay được dựng nên từ thời LHQ mới thành lập”.

Liên quan đến việc cải tổ LHQ, vấn đề lớn nhất là việc thay đổi số lượng thành viên và cơ chế bỏ phiếu tại Hội đồng bảo an (HĐBA), cơ quan quyền lực nhất của LHQ, nơi 5 quốc gia thành viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) có quyền phủ quyết (veto). Trước thềm UNGA-79, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và lãnh đạo LHQ, trong đó có TTK LHQ, liên tục kêu gọi tăng số lượng thành viên thường trực HĐBA để phản ánh chính xác hơn trật tự thế giới hiện nay, đồng thời trao thềm quyền lực cho các nước đang phát triển trong bộ máy ra quyết định của LHQ, cụ thể là phân bổ cho châu Phi ghế thường trực tại HĐBA. Trong ngày 13/09, Mỹ cho biết ủng hộ đề xuất này. Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield, tuyên bố: “Bên cạnh các ghế thành viên không thường trực HĐBA cho các nước châu Phi, Mỹ ủng hộ việc tạo thêm 2 ghế ủy viên thường trực HĐBA cho châu Phi. Đây là những gì các đối tác châu Phi của chúng tôi yêu cầu và chúng tôi tin là điều đúng đắn”.

Ngoài châu Phi, các nước, như: Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil, Đức… cũng nhận được nhiều ủng hộ về việc giữ ghế thường trực HĐBA, dù có thể sẽ đứng sau châu Phi trong thứ tự ưu tiên. Trong khi đó, việc thay đổi cơ chế bỏ phiếu tại HĐBA để hạn chế quyền lực của lá phiếu phủ quyết được dự đoán sẽ phức tạp hơn nhiều do sự phản đối từ chính một số thành viên thường trực HĐBA.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác