Linh hoạt khi triển khai các pháp thúc đẩy phục hồi nền kinh tế

(VOV5) - Kinh tế số là một lợi thế để phát triển kinh tế xã hội, được coi là giải pháp quan trọng để phục hồi nền kinh tế sau Covid – 19.

Ngày 15/6, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV kết thúc 2 ngày thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, 6 tháng đầu năm 2020. Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế sau dịch Covid – 19 được các đại biểu Quốc hội đề cập trên tinh thần phải tận dụng ngay lợi thế khống chế thành công đại dịch, đón đầu các làn sóng chuyển dịch đầu tư, chủ động thúc đẩy kinh tế số.

Linh hoạt khi triển khai các pháp thúc đẩy phục hồi nền kinh tế   - ảnh 1

Linh hoạt khi triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi nền kinh tế. - Ảnh minh họa: Tạp chí Tài Chính

Ðiểm nhấn xuyên suốt ở nhiều nội dung được thảo luận tại nghị trường thể hiện rõ Quốc hội luôn chung tay, đồng hành cùng Chính phủ tìm các giải pháp hiệu quả, kịp thời và đủ mạnh để giúp nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay và những năm tới.

Cơ cấu lại nền kinh tế, khắc phục đứt gãy của chuỗi sản xuất

Dịch Covid gây ra “đứt gãy” chuỗi sản xuất, có thể kéo dài nhiều năm. Để lấp đầy lỗ hổng của chuỗi sản xuất, theo nhiều đại biểu, ngoài việc thu hút chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế tư nhân thì cần tính đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước theo quy định của Hiến pháp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước theo đúng phương chậm là đầu tư vào lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không làm do không mang lại hiệu quả hoặc do không đáp ứng được đòi hỏi phải có số vốn lớn để đầu tư. Để thực hiện được, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng: “Cần nhìn nhận lại doanh nghiệp Nhà nước, bộ phận chủ yếu của kinh tế nhà nước, ở hai khía cạnh. Một là, do phải đầu tư vào các lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không làm nên hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước không thể đòi hỏi lợi nhuận, hệ số sử dụng vốn như trong các điều kiện bình thường khác. Hai là, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải coi là cơ cấu lại danh mục nhà nước đầu tư nên tiền thu được ngoài việc nộp ngân sách để chi đầu tư cần phải dành nguồn cho đầu tư, mở rộng doanh nghiệp Nhà nước, kể cả thành lập mới để hoạt động trong các lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không làm. Đây là vấn đề cần giải quyết để cơ cấu lại nền kinh tế, khắc phục sự đứt gãy của chuỗi sản xuất và phát triển bền vững lâu dài”.

Những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động. Tuy nhiên, cần đẩy nhanh quá trình thực hiện các chính sách này, nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp được coi là “xương sống” của nền kinh tế. Đại biểu Nguyễn Như So, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, cho rằng: “Đẩy mạnh chính sách tài khóa về tiền tệ, trong đó quan tâm tới chính sách dòng tiền để doanh nghiệp tiếp cận với dòng tiền thực tế, cần có thêm gói cho vay với lãi suất thấp hơn, ưu tiên cấu trúc và gia hạn các khoản vay. Cần đột phá trong cải cách thủ tục kinh doanh, thúc đẩy thủ tục hành chính trên nền tảng số để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Có chính sách đặc thù thu hút doanh nghiệp tham gia vào khâu chế biến nông sản để điều tiết thị trường trong nước”.

Từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia

Kinh tế số là một lợi thế để phát triển kinh tế xã hội, được coi là giải pháp quan trọng để phục hồi nền kinh tế sau Covid – 19. Ngoài việc hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần các chính sách và quy định xuyên suốt để định hình nền kinh tế số. Đại biểu Lê Thu Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, cho rằng: “Việt Nam cần chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, chú trọng tới các chính sách về tiếp cận thanh toán an toàn. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu bao gồm băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, tập trung phát triển các ngành có mức độ sẵn sàng cao như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn an ninh mạng, công nghiệp chế tạo thông minh, tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, nông nghiệp số, du lịch số”.

Để có sự đồng nhất, tạo đà bứt phá, đưa nền kinh tế phát triển bền vững, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ cũng cần có chủ trương “không để tỉnh nào ở lại phía sau”. Ðại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng: “Chính phủ, các bộ ngành cần có  sự quan tâm, điều chỉnh các định hướng thu hút đầu tư đến các tỉnh còn khó khăn, tạo điều kiện cho các tỉnh phát triển kinh tế xã hội, thực hiện tốt nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến 2030, xác định ngành, lĩnh vực được ưu tiên nhằm thu hút chủ động các khu vực và các tỉnh khó khăn”. Việt Nam nhận được sự khâm phục của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid - 19. Ðiều đó có được nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của người dân và lãnh đạo các cấp. Nay, sự đồng lòng, quyết tâm này rất cần được phát huy trong khôi phục kinh tế để Việt Nam sớm lấy lại đà tăng trưởng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác