(VOV5) - Cả Nga, Syria và Thổ Nhỹ Kỳ đều rất quyết tâm và giữ lập trường không nhượng bộ trong vấn đề Idlib.
Thời gian gần đây, chiến trường khu vực Tây Bắc Syria một lần nữa trở thành điểm nóng trong cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm qua tại quốc gia A rập. Trong đó, điều dư luận quan ngại nhất là thế đối đầu căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhỹ Kỳ, hai quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đến cục diện hiện nay ở Syria, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Binh sĩ và xe thiết giáp chở quân Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang Syria. Ảnh: NBCNews |
Những ngày qua, quân đội Thổ Nhỹ Kỳ liên tiếp thông báo vềcác cuộc tấn công nhằm vào lực lượng quân đội Syria tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria. Chưa hết, Ankara còntuyên bố các cuộc tấn công nhắm vào mục tiêu của Chính phủ Syria sẽ “tiếp tục được thực hiện”, hiện thực hóa tuyên bố ngày 26/2 của Tổng thống Thổ Nhỹ Kỳ Tayyipn Erdogan rằng Ankara quyết không lùi bước, thề sẽ đẩy lùi lực lượng chính phủ Syria ra khỏi các trạm quan sát ở khu vực Idlib.Thực tế này phản ánh cục diện đang cực kỳ căng thẳng hiện nay ở khu vực Đông Bắc Syria, thành trì cuối cùng của các lực lượng nổi dậy tại Syria.
Tuy nhiên, chiến trường Idlib (và một phần khu vực Aleppo) không chỉ đơn thuần là sự đối đầu giữa các lực lượng Syria và Thổ Nhỹ Kỳ, mà thực chất là cuộc đấu cân não gay cấn giữa Nga (ủng hộ quân Chính phủ Syria) và Thổ Nhỹ Kỳ (hậu thuẫn một số lực lượng nổi dậy tại Syria).
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo chiến dịch tấn công Idlib "chỉ là vấn đề thời gian".
- Ảnh: Viettime |
Cục diện tại Idlib và phản ứng của Thổ Nhỹ Kỳ
Với quyết tâm đập tan những thành lũy cuối cùng của các lực lượng phiến quân và chống đối tại Idlib, các lực lượng quân Chính phủ Syria đã đẩy mạnh chiến dịch tấn công nhằm vào Idlib từ cuối năm ngoái và đã giành được quyền kiểm soát nhiều thị trấn và làng mạc. Tất nhiên, chiến dịch đã nhận được sự hỗ trợ hỏa lực mạnh của không quân Nga, đồng minh lớn nhất của Syria và đã can thiệp mạnh tay vào cuộc khủng hoảng này từ tháng 9/2015.
Phản ứng với động thái của liên quân Nga-Syria, Thổ Nhỹ Kỳ cho rằng chiến dịch tấn công vào Idlibđã vi phạm thỏa thuận năm 2018 giữa Nga và Thổ Nhỹ Kỳ về thiết lập vùng giảm căng thẳng tại Idlib.Và trong vài tuần trở lại đây, Ankara đã triển khai lực lượng lớn binh sỹ và khí tài tới Idlib và Aleppo.Với sự hiện diện của lực lượng Thổ Nhỹ Kỳ, bước tiến của quân đội Syria đã bị chậm lại, trong khi tần suất các cuộc đối đầu trực diện giữa quân Chính phủ Syria và binh sỹ Thổ Nhỹ Kỳ liên tục tăng lên. Đặc biệt, theo thông tin mới nhất do kênh truyền hình quốc gia Nga Rossiya 1 công bố ngày 27/2, máy bay chiến đấu của Nga hoạt động trên bầu trời Idlib đã nhiều lần bị binh sỹ Thổ Nhỹ Kỳ tấn công bằng tên lửa vác vai trong những ngày qua.
Quan điểm cứng rắn của Nga và Syria
Dù đã phần nào làm chậm đà tiến quân của quân đội Chính phủ Syria ở Idlib, song Thổ Nhỹ Kỳ cũng như các bênủng hộ phe nổi dậy tại Syria đang nhận thức rõ thực tế rằng quân Chính phủ Syria sẽ sớm giành toàn quyền kiểm soát Idlib và cảkhu vực Đông Bắc, đồng nghĩa với việc các lực lượng thân Ankara tại đây bị xóa xổ. Bởi vậy, Thổ Nhỹ Kỳ và một số quốc gia đã hối thúc Nga và Syriachấm dứt chiến dịch tấn công vào Idlib. Tuy nhiên, trong phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ) ngày 25/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ những lời kêu gọi này và nêu rõ: việc chấm dứt chiến dịch tại Idlib "là đầu hàng khủng bố, thậm chí là phần thưởng cho các phần tử khủng bố".
Theo giới phân tích, quan điểm cứng rắn của Nga trong chiến dịch giải phóng Idlib cũng đã “thấm nhuần” tới các lực lượng quân Chính phủ Syria. Trong nhiều tuyên bố khác nhau thời gian qua, quân đội Syria liên tục nhấn mạnh quyết tâm giải phóng Idlib, tiêu diệt tận gốc các lực lượng khủng bố được bên ngoài hậu thuẫn đang ẩn náu và cố thủ tại đây.
Có thể thấy, cả Nga, Syria và Thổ Nhỹ Kỳ đều rất quyết tâm và giữ lập trường không nhượng bộ trong vấn đề Idlib. Thực tế này làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ đối đầu đẫm máu ở Idlib giữa các phe trong thời gian tới. Theo giới phân tích, hậu quả và hệ lụy của sự đối đầu vũ trang sẽ là rất thảm khốc cho tất cả bên, bất kể thắng thua thuộc về phía nào.
Đặc biệt, quan hệ đối tác kinh tế và hợp tác tốt đẹp hiện có giữa Nga và Thổ Nhỹ Kỳ trong nhiều vấn đề, có thể bị tổn hại, vàchắc chắn cả hai nước đều nhận thức rất rõ về nguy cơ này. Điều đó lý giải vì sao cùng với những tuyên bố hùng hồn về các hành động quân sự cứng rắn, cả Moscow và Ankarađều đã thể hiện mong muốn đối thoại và trên thực tế đã tiến hành một số vòng đàm phán thời gian gần đây. Tuy nhiên, do cục diện thực địa phức tạp, cùng những toan tính khác biệt về lợi ích chiến lược, tiến trình đàm phán về số phận của Idlib đến nay vẫn chưa ngã ngũ, chưa thể mang lại hy vọng an bình cho hàng chục ngàn dân thường vô tội Syria đang bị mắc kẹt giữa hai làn đạn.