Miền Đông Ukraine: Chiến tuyến tiếp theo trong cuộc đối đầu Đông - Tây

(VOV5)- Tình hình Ukraine đang có những diễn biến hết sức phức tạp, đáng lo ngại khi những ngày gần đây, các tỉnh, thành phố miền Đông Ukraine liên tục biểu tình đòi ly khai và tuyên bố độc lập. Giữa lúc cuộc đấu khẩu giữa Nga với Mỹ và phương Tây “nóng” lên từng giờ trên mọi diễn đàn từ khi Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga, những diễn biến mới này càng khiến Ukraine có thể rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử nếu các bên không tìm ra giải pháp đối thoại.
Miền Đông Ukraine: Chiến tuyến tiếp theo trong cuộc đối đầu Đông - Tây - ảnh 1
Tòa nhà chính quyền tại thành phố Luhansk bị phe biểu tình bao vây.

Thành phố Donetsk, thành phố hiền hòa nằm bên dòng sông Kalmius những ngày qua đã không còn yên bình khi những người biểu tình chiếm giữ, kiểm soát tòa nhà chính của thành phố, tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Một cuộc trưng cầu dân ý để xem xét việc gửi đơn xin sáp nhập Nga cũng được ấn định vào ngày 11/5 tới. Tiếp sau Donetsk, tình trạng tương tự cũng xảy ra ở hai thành phố khác là Kharkov và Lugansk khi những người thân Nga tuyên bố thành lập nước Cộng hòa có chủ quyền và sẽ tổ chức trưng cầu dân ý theo kiểu Crimea để quyết định việc gia nhập Liên bang Nga.

Lo ngại những người biểu tình ở miền Đông đang cố ý tạo tiền đề cho các diễn biến giống như ở Crimea, chính quyền Kiev hôm qua ra tối hậu thư khẳng định chiến dịch chống khủng bố sẽ kết thúc trong vòng 48 giờ. Những người đang chiếm giữ trụ sở chính quyền tại các thành phố miền đông đất nước hoặc đối thoại để tìm giải pháp chính trị, hoặc đối mặt với bạo lực.

Kịch bản Crimea lặp lại?
Những gì đang diễn ra ở miền đông Ukraina dường như đang khiến Kiev và phương Tây lo sợ về một hành động quân sự có thể của Nga trong bối cảnh Moscow mới sáp nhập Crimea chưa đầy một tháng.

Mỹ cảnh báo sẽ "có thêm thiệt hại" nếu Moscow tiến hành thêm các bước nhằm gây bất ổn ở Ukraina. Ngày 10/4 Mỹ điều thêm tàu chiến đến biển Đen như một thông điệp mạnh mẽ nhằm vào Nga. Còn phương Tây liên tục cáo buộc Moscow đã đứng sau những bất ổn ở miền đông Ukraine và cảnh báo sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt. EU đã lập “danh sách đen mở rộng” gồm hàng trăm cá nhân và tổ chức của Nga “có trách nhiệm hoặc tham gia vào các hành động đe dọa lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine”. Danh sách trên được chia thành 5 nhóm: nghị sĩ, quan chức cấp cao của chính phủ, lãnh đạo ngành quốc phòng-an ninh, doanh nhân và phóng viên. Nếu danh sách trừng phạt được áp dụng, hầu hết các chính trị gia cộm cán của Nga sẽ bị từ chối cấp thị thực nhập cảnh và đóng băng tài khoản ngân hàng ở EU. Trong khi đó, Ukraine đang xem xét chuẩn bị hồ sơ để kiện Nga ra tòa án quốc tế.

Đáp trả những cáo buộc trên, Nga yêu cầu Kiev dừng ngay việc chỉ trích Nga đứng sau các vấn đề của nước láng giềng, đồng thời cảnh báo việc Ukraine sử dụng vũ lực để kết thúc biểu tình có thể dẫn tới nội chiến. Tuyên bố không có ý định xâm lược Ukraine nhưng Nga đồng thời khẳng định vẫn giữ quyền bảo vệ lợi ích của người Nga ở đây.

Lối thoát cho cuộc khủng hoảng
Sau những diễn biến trên, giới phân tích nhận định cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây sẽ còn tiếp diễn kéo dài trong nhiều ngày tới. Về phía Nga, lập trường của nước này trước sau như một là không công nhận tính hợp pháp của chính quyền Ukraine hiện nay. Còn Mỹ và phương Tây coi sự can thiệp của Nga vào Crimea như một sự thôn tính và xâm lược. Việc thúc đẩy Ukraine sớm gia nhập NATO hay các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Moscow có thể sẽ đẩy tình hình đi quá xa ngoài tầm kiểm soát. Việc buộc người Ukraine phải lựa chọn giữa một bên là Nga và một bên là phương Tây đã dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tuy nhiên trong lúc này đã có một số động thái mới cho thấy căng thẳng trong quan hệ Kiev-Moscow hạ nhiệt khi Nga chấp thuận cho Ukraine hoãn thanh toán hóa đơn khí đốt mua của Nga từ tháng 10 – 12 năm nay cho đến năm sau nhằm tạo điều kiện cho Kiev có nhiều thời gian hơn để giải quyết các “khó khăn và vấn đề trong khu vực”. Đây là bước đi được các nhà phân tích nhận định là hết sức “khôn ngoan” của chính quyền Moscow. Giữa lúc nền kinh tế của Ukraina đang có nguy cơ phá sản, món nợ 1,55 tỉ USD tiền mua khí đốt của Moscow và gói cứu trợ khẩn giúp Kiev trị giá 15 tỉ USD mà Moscow từng hứa trước đó rất có thể dẫn tới thay đổi thái độ từ chính quyền Ukraine hiện tại. Trong hoàn cảnh chi tiêu ‘giật gấu vá vai’ như hiện nay, đứng trước một gói cứu trợ không quá khó khăn từ Moscow và một khoản vay hào phóng nhưng ràng buộc ngặt nghèo từ châu Âu, chắc chắn chính quyền Kiev buộc phải cân nhắc. Thêm vào đó, cuộc hội đàm 4 bên giữa Mỹ, Nga, Ukraine và EU dự kiến diễn ra vào tuần tới đang được dư luận hy vọng mang lại bước tiến tích cực cho khủng hoảng tại Ukriane.

Rõ ràng là các bên đều đang khôn khéo nắm giữ con bài chiến lược của mình. Đàm phán để tìm kiếm một giải pháp chính trị là cách tốt nhất mà các bên cần làm hiện nay để hạ nhiệt căng thẳng, tránh nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh đang cận kề, đặc biệt trong bối cảnh các bên đều có sự ràng buộc về kinh tế chặt chẽ./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác