(VOV5) - Tròn 1 năm ngày Crimea chính thức được sáp nhập vào Nga với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức ký quyết định sáp nhập nước Cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol trở thành những chủ thể thuộc Liên bang Nga. Một năm sau ngày sáp nhập, dư luận chứng kiến sự đầu tư tích cực vào Crimea từ Liên bang Nga nhưng đồng thời cũng thấy rõ sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây bắt nguồn từ vấn đề này.
|
Một năm kể từ khi sáp nhập, quá trình đưa Crimea hội nhập vào kinh tế, tài chính, tín dụng, pháp lý, quyền lực nhà nước, tổng động viên quân sự và hệ thống cơ sở hạ tầng của Nga vẫn đang diễn ra trên bán đảo. Ảnh: theo dantri.com.vn |
Lễ kỷ niệm một năm ngày bán đảo này sáp nhập vào Liên bang Nga sau cuộc trưng cầu dân ý với 97% cử tri đồng ý trở về Nga sau 60 năm nằm dưới sự quản lý của Ukraine, diễn ra ngày 16/3/2015. Phát biểu nhân dịp này, Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov ca ngợi quyết định lịch sử và khẳng định không bao giờ trở lại là một phần của Ukraine.
Đầu tư phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng, kinh tế, quốc phòng
Sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, sự thay đổi đã diễn ra trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội Crimea. Quá trình đưa Crimea hội nhập vào kinh tế, tài chính, tín dụng, pháp lý của Nga đang diễn ra tích cực trên bán đảo. Đồng rúp đã trở thành đơn vị tiền tệ của bán đảo sau khi luật liên bang về việc sáp nhập Crimea với Nga được phê chuẩn. Vào tháng 4/2014, cải cách hệ thống giáo dục được tiến hành tại Crimea theo các tiêu chuẩn giáo dục của Nga. Lương hưu và tiền lương của người dân Crimea cũng được tăng lên. Tỷ lệ thất nghiệp ở Crimea đang giảm dần. Nga cũng lên kế hoạch xây dựng 11 trung tâm du lịch và giải trí tại Crimea. Chương trình liên bang đặc biệt đã dành gần 800triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng cho Crimea.
Việc sáp nhập của Crimea với Nga cũng mang lại những thay đổi nhất định trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của bán đảo này. Theo Phó Thủ tướng Crimea, Alla Pashkunova, người dân Crimea, kể cả người nghỉ hưu, hiện đang nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y tế miễn phí. Trong năm 2015, chính quyền Crimea sẽ chi khoảng 50 triệu USD để hiện đại hóa các bệnh viện.
Nga cũng đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng và xây dựng lại ngành công nghiệp của Crimea. Hầu hết các cơ sở nghỉ mát của Crimea, hệ thống đường bộ, đường sắt, đường ống dẫn khí đốt đang được xây dựng lại. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng Crimea cũng đang phát triển các đề án cung cấp nước ngọt liên tục cho khu vực này sau khi chính quyền Kiev cắt nguồn cung cấp nước ngọt từ sông Dnepr cho Crimea.
Song song với việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, việc hiện đại hóa quân sự tại bán đảo Crimea cũng được Liên bang Nga tăng cường. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, đến nay Nga đã thành lập ở Crimea 7 đơn vị (cỡ sư đoàn) và 8 đơn vị (cỡ trung đoàn) với các chức năng khác nhau. Ngoài ra, sau khi sáp nhập vào Nga, hơn 9.000 binh sĩ và 7.000 người Ukraine tại bán đảo Crimea đã gia nhập quân đội Nga. Nga cũng điều nhiều máy bay chiến đấu đa năng đến căn cứ không quân Belbek tại Crimea. Hệ thống phòng không tại đây cũng nhận được các tổ hợp tên lửa S-300PMU và Pantsi-S1 mới. Theo kế hoạch năm 2015 và 2016, Hạm đội Biển Đen sẽ nhận được 6 tàu khu trục mới, 6 tàu ngầm diesel cũng như các tàu mang tên lửa Buyan-M. Hầu hết trong số này sẽ được bố trí tại Crimea.
Nga vẫn đối mặt với sức ép gia tăng từ Phương Tây
Cuộc thăm dò mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu Công luận Nga cho thấy, hơn 90% số người Crimea được hỏi cho biết họ vẫn sẽ chọn việc sáp nhập Crimea vào Nga nếu tiến hành lại một cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên phương Tây vẫn không coi cuộc trưng cầu này là hợp lệ. Đối với họ, việc sáp nhập Crimea là sự kiện quan trọng trong cuộc khủng hoảng Ukraine, khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên căng thẳng và hạ xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh. Phương Tây luôn coi Crimea là một công cụ quan trọng để gây sức ép với Nga và không dễ gì từ bỏ Crimea dù cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang từng bước được giải quyết. Với nhiều biện pháp trừng phạt của phương Tây cùng với giá dầu thô giảm đã đẩy nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái, dự báo giảm khoảng 3-5% trong năm 2015. Mới đây nhất, Tổ chức hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương lại cáo buộc rằng Nga vẫn cung cấp vũ khí cho quân ly khai ở miền Đông Ukraine. NATO cũng khẳng định nhiều lần bắt gặp máy bay chiến đấu của Nga xâm nhập không phận của các nước thành viên khối này trong năm 2014. Trong khi bác bỏ những cáo buộc của NATO, Nga tiến hàn tập trận tại Bắc Cực trong dịp kỷ niệm tròn 1 năm ngày sáp nhập Crimea. Đây là một trong những cuộc phô trương lực lượng lớn nhất của điện Kremlin kể từ khi Nga sáp nhập Crimea. Trong dịp này, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh đặt Hạm đội Biển Bắc thuộc hải quân nước này vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cấp cao nhất. Ngoài ra là cuộc tập trận với 5.000 binh sỹ ở khu vực quân sự phía Đông.
Việc Crimea sáp nhập vào Nga cách đây 1 năm tạo ra những rào cản trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. Thực tế chứng minh, một năm sau sự kiện này, Crimea đang dần trở thành một cứ điểm mạnh của Nga. Ngược lại là sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. Xem ra rào cản giữa 2 bên không dễ gì giải quyết trong một sớm một chiều./.