Một năm xung đột Gaza: Các bên đang bị cuốn theo kịch bản tồi tệ nhất

(VOV5) - Để đáp trả, Israel phát động cuộc chiến tổng lực nhằm vào Gaza, mở đầu cho vòng xoáy bạo lực đang ngày càng leo thang tại Trung Đông.

1 năm sau ngày bùng phát, cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tại dải Gaza gây ra hậu quả thảm khốc cho tất cả các bên, đồng thời bắt đầu lan rộng sang các mặt trận khác, chia rẽ thế giới và đe dọa đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào hỗn loạn. Ngày 07/10 năm ngoái, phong trào Hồi giáo Hamas bất ngờ tiến hành cuộc tấn công vào nhiều địa điểm ở miền Nam Israel, sát hại hơn 1.100 binh sĩ và thường dân Israel và bắt giữ hơn 250 người làm con tin. Để đáp trả, Israel phát động cuộc chiến tổng lực nhằm vào Gaza, mở đầu cho vòng xoáy bạo lực đang ngày càng leo thang tại Trung Đông.

Hậu quả thảm khốc

Trong số liệu công bố hôm 06/10, một ngày trước dịp kỷ niệm tròn một năm bùng phát xung đột tại dải Gaza, Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết cuộc xung đột gây ra các hậu quả thảm khốc. Cụ thể, xung đột đã cướp đi sinh mạng của gần 42.000 thường dân Palestine tại Gaza, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, và gây thương tích cho gần 100.000 người khác. Gần như toàn bộ dân số 2,3 triệu người tại Gaza phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, khoảng 80% cơ sở hạ tầng tại dải Gaza bị phá hủy, các hệ thống trường học, bệnh viện, vệ sinh, nước sạch… hầu như tê liệt.

Liên hợp quốc ước tính lượng vật liệu đổ nát tại dải Gaza do cơ sở hạ tầng bị phá hủy lên đến 42 triệu tấn, gấp 14 lần lượng đổ nát tại dải đất này cộng lại trong 15 năm trước đó. Cùng lúc đó, giao tranh kéo dài và việc hàng cứu trợ thường xuyên bị cản trở cũng đẩy hàng triệu người tại Gaza vào nguy cơ nạn đói thường trực.

Một năm xung đột Gaza: Các bên đang bị cuốn theo kịch bản tồi tệ nhất - ảnh 1Ảnh minh hoạ: TTXVN

Trong các đánh giá về tình hình nhân đạo tại dải Gaza, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, như: Văn phòng Cao ủy nhân quyền (OHCHR), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chương trình lương thực thế giới (WFP) đều nhận định cuộc khủng hoảng nhân đạo tại dải Gaza là không thể chấp nhận được, khi không chỉ có số lượng quá lớn thường dân thiệt mạng và còn ghi nhận việc luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế bị phớt lờ.

Trong thông điệp gửi đi nhân kỷ niệm 1 năm xung đột tại Gaza, Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres cho rằng tình hình tại Gaza đã vượt quá sức chịu đựng của tất cả các bên và cần phải chấm dứt ngay lập tức.

“Cuộc chiến nổ ra sau vụ tấn công khủng khiếp cách đây 1 năm tiếp tục cướp đi mạng sống và gây nên đau khổ sâu sắc cho thường dân Palestine ở dải Gaza và nay là người dân Lebanon. Giờ là lúc phải thả các con tin và im tiếng súng. Giờ là lúc phải chặn đứng sự khổ đau đang nhấn chìm khu vực. Giờ là lúc cho hòa bình, luật pháp và công lý quốc tế”.

Không chỉ tàn phá dải Gaza, cuộc xung đột cũng đang đẩy Israel vào tình cảnh khó khăn. Bên cạnh hơn 1.200 người thiệt mạng và gần 10.000 người bị thương trong 1 năm qua, kinh tế Israel cũng hứng chịu tổn thất lớn. Theo ước tính của Ngân hàng trung ương Israel, nếu xung đột kéo dài đến hết năm sau, chi phí cuộc chiến với Israel sẽ lên tới 66 tỷ USD, tương đương 12% GDP nước này, thậm chí còn cao hơn, biến xung đột này thành cuộc chiến tốn kém nhất trong lịch sử Israel. Trước nguy cơ xung đột kéo dài và lan rộng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 9 cũng hạ dự báo tăng trưởng của Israel năm nay xuống 1-1,9%, tức chỉ bằng 1/3 so với dự báo đưa ra trước ngày 07/10 năm ngoái.

Xung đột đang lan rộng

Tác động của cuộc xung đột bùng phát 1 năm trước đang vượt ra khỏi ranh giới dải Gaza và hướng về phía kịch bản tồi tệ nhất mà giới quan sát đã cảnh báo, là xung đột tại Gaza có nguy cơ kích hoạt một cuộc chiến toàn diện tại Trung Đông. Hiện tại, xung đột đã lan sang Lebanon với việc quân đội Israel gia tăng không kích và mở chiến dịch tấn công trên bộ ở miền Nam Lebanon nhằm tiêu diệt lực lượng Hezbollah, đồng minh quan trọng của Hamas.

Các giao tranh tại Lebanon trong 2 tuần gần đây đã khiến khoảng 1 triệu người Lebanon phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đồng thời ngày càng có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát. Nghiêm trọng hơn, Israel và Iran cũng đang tiến gần hơn đến 1 cuộc xung đột quy mô lớn. Trong 1 năm qua, hai quốc gia đối địch, đồng thời cũng là 2 cường quốc quân sự hàng đầu khu vực, đã vượt qua những “lằn ranh đỏ” tồn tại từ nhiều thập kỷ qua khi tiến hành các cuộc không kích trực tiếp vào lãnh thổ của nhau, đe dọa kéo nhiều quốc gia và lực lượng vào 1 cuộc chiến khu vực toàn diện.

Chuyên gia Karima Laachir, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Arab và Hồi giáo, thuộc Trường Đại học quốc gia Australia, nhận định vòng xoáy leo thang bạo lực hiện nay ở Trung Đông cho thấy sự bất lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là LHQ, cũng như chính sách thất bại của tất cả các bên, nhất là Israel và các nước đồng minh phương Tây.

Do đó, theo bà Karima Laachir, tình thế hiện nay đòi hỏi các bên cần ngay lập tức thay đổi mạnh mẽ tư duy về an ninh lâu dài cho toàn bộ khu vực, trước khi rơi vào tình thế không thể cứu vãn. “Tôi nghĩ điều quan trọng là các nhà lãnh đạo cần hiểu rằng không thể dùng bom đạn dọn đường cho hòa bình và an ninh. Bởi lẽ, nếu cứ tấn công các nước láng giềng xung quanh thì tác động lâu dài sẽ hết sức nguy hiểm. Không thể bàn về an ninh cho Israel nếu không bàn về an ninh của các nước láng giềng là Lebanon, Jordan, Ai Cập… và đặc biệt là nếu không có sự giải phóng cho người Palestine”.

Chia sẻ nhận định này, nhà ngoại giao Israel, ông Elie Barnavi, cựu Đại sứ Israel tại Pháp, cho rằng 1 năm sau xung đột tại Gaza, các chiến dịch quân sự không giúp an ninh của Israel tốt hơn mà còn đang tệ đi khi nước này cùng lúc phải đối phó với 7 mặt trận, gồm: Hamas ở Gaza; Hezbollah ở Lebanon; phong trào Intifada ở Bờ Tây; lực lượng Houthi ở Yemen; dân quân ở Iraq; dân quân ở Syria và Iran. Do đó, giải pháp ngoại giao, bắt đầu bằng 1 lệnh ngừng bắn và trao trả con tin ở dải Gaza, là con đường duy nhất để tránh kịch bản xung đột tồi tệ nhất cho tất cả các bên.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác