Mỹ và WTO: khúc mắc chưa được tháo gỡ

(VOV5) - Việc ông Trump dọa rút Mỹ ra khỏi tổ chức WTO từng được bày tỏ ngay sau khi lên nắm quyền từ đầu năm 2017. 

Việc Mỹ rời khỏi Tổ chức thương mại thế giới (WTO) một lần nữa lại được Tổng thống Donald Trump khơi lại khi phát biểu trong một sự kiện vận động cử tri tại bang Pennsylvania, ngày 13/8. Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Nhà Trắng có phát ngôn như trên song trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa ngã ngũ, mâu thuẫn trong quan hệ thương mại Nhật - Hàn chưa có hướng giải quyết thì tuyên bố của ông Trump khiến dư luận quan ngại.                                               

Việc ông Trump dọa rút Mỹ ra khỏi tổ chức WTO từng được bày tỏ ngay sau khi lên nắm quyền từ đầu năm 2017. Khi đó, người đứng đầu Nhà Trắng tỏ ý thất vọng về WTO - cơ quan thiết lập các tiêu chuẩn và quy tắc chi phối các hiệp định thương mại quốc tế và được coi là trung gian hòa giải các tranh chấp thương mại. Trong thời gian còn là ứng cử viên Tổng thống, ông Trump cũng lên tiếng chỉ trích WTO là “thảm họa”, cho rằng Mỹ đã bị "đối xử bất công" trong các vụ tranh chấp thương mại tại WTO.

Lý do thực sự

Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không cần Tổ chức Thương mại thế giới nếu tổ chức này không giải quyết được lỗ hổng pháp lý khiến một số nước được hưởng những lợi ích nhất định. Theo Tổng thống Donald Trump, một số nước giàu trên thế giới đang được coi là “những nước đang phát triển” và được hưởng lợi từ các chính sách của Tổ chức Thương mại thế giới. Những lợi thế này bao gồm việc có được ưu thế về thủ tục trong giải quyết tranh chấp, cắt giảm thuế ở mức thấp hơn và khả năng duy trì trợ cấp xuất khẩu cũng như đưa ra các cam kết yếu hơn trong đàm phán. Hơn thế, các quy định của WTO đã “vắt kiệt” Mỹ trong nhiều năm và điều đó sẽ không tiếp diễn nữa. Theo ông, WTO được thành lập để mang lại lợi ích cho tất các nước ngoại trừ Mỹ, và Washington đã thua gần như tất cả vụ kiện ở tổ chức thương mại này.

Mỹ và WTO: khúc mắc chưa được tháo gỡ - ảnh 1Ảnh minh họa TTXVN 

Trong khi kêu gọi cải cách các quy định của WTO, việc Mỹ không bổ nhiệm các thẩm phán mới cho Ban hội thẩm thuộc Cơ quan giải quyết tranh chấp làm trọng tài trong các cuộc tranh chấp đã khiến hệ thống này đứng trước nguy cơ dừng hoạt động vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, lý do thực sự khiến Tổng thống Trump không thân thiện với Tổ chức Thương mại thế giới vì ông luôn tâm đắc với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và luôn cho rằng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch chứ không phải tự do mậu dịch mới có lợi nhất cho nước Mỹ. Quan điểm và nhận thức này trái ngược với tôn chỉ và mục đích hoạt động của Tổ chức thương mại thế giới. Tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, Mỹ phải tuân thủ theo các nguyên tắc chung của tổ chức này tức là Mỹ không thể tự ý gây tổn hại đến lợi ích của các thành viên khác và cũng không tránh khỏi bị các thành viên khác sử dụng các nguyên tắc của Tổ chức này để chống lại Mỹ.

Hệ lụy

Theo giới quan sát, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ rõ ràng đóng vai trò then chốt đối với sự tồn tại của WTO và việc nước này rút khỏi tổ chức sẽ tạo ra những hệ lụy rất lớn. Nếu cắt bỏ các ràng buộc với WTO, Mỹ có thể nâng thuế "vô tội vạ" và buộc những quốc gia khác phải có những biện pháp phản ứng lại. Hệ quả là một cơn khủng hoảng toàn cầu sẽ hình thành. Ngoài ra, Mỹ có thể ra khỏi WTO và gây áp lực với các nước khác cũng có động thái tương tự, hoặc không tôn trọng các quy tắc của tổ chức này.

Đối với Mỹ, không còn là thành viên WTO đồng nghĩa với việc nền kinh tế số 1 thế giới này, gồm các công ty trong nước, sẽ đối mặt với nhiều bất lợi. Trong trường hợp này, các nước thành viên WTO khác có thể tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, áp đặt những yêu cầu khiến những công ty này khó cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ không còn khả năng xử lý các hành vi thương mại bất bình đẳng dựa trên hệ thống xử lý tranh chấp của WTO. Theo ông Rufus Yerxa, cựu Phó Tổng giám đốc WTO, Mỹ sẽ bị cô lập trong nền kinh tế thế giới nếu rút khỏi WTO.

Được coi là “Liên hợp quốc” về thương mại toàn cầu, WTO ra đời từ năm 1995, với sứ mệnh là tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tự do và công bằng. Bởi vậy, thái độ cứng rắn của Tổng thống Trump cho thấy Washington ngày càng củng cố chính sách bảo hộ thương mại. Nó cũng là thách thức đặt ra cho chính WTO nếu tổ chức này muốn duy trì vai trò và sức mạnh của mình trong quan hệ thương mại toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác