Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam

Tái cơ cấu sản xuất tập trung vào những ngành hàng có giá trị cao hơn là hướng đi của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2012. Đây cũng là mục tiêu dài hạn của ngành từ nay đến năm 2020. 


Trong tổng thể bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2011, nông nghiệp được coi là điểm sáng nhất với những con số ấn tượng. Tổng sản lượng lương thực đạt 42 triệu tấn, xuất khẩu gạo đạt trên 7 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Bốn mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD, xuất siêu 9,2 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước.

Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam - ảnh 1
       Năm 2011 sản lượng lương thực của Việt Nam đạt 42 triệu tấn


Tuy nhiên, có một thực tế là dù sản lượng hàng hóa của ngành nông nghiệp tăng cao nhưng giá trị gia tăng của ngành lại đang có xu hướng giảm. Tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ và dựa trên mức độ thâm dụng các yếu tố vật chất đầu vào cho sản xuất như lao động, vốn, vật tư… Mô hình tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều và rẻ nhưng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao.


Theo Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát thì đây là vấn đề, liên quan tới cơ cấu ngành và cần có định hướng phát triển. Vì vậy, trong định hướng tái cơ cấu ngành, hiện, Bộ NN&PTNT đang tập trung nâng cao tỷ trọng các ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Đối với tái cơ cấu sản xuất, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh hình thức phát triển kinh tế hộ theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn cũng như hoàn thành việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ NN&PTNT ngay trong năm 2012: "Chúng ta làm sao để sản xuất vẫn tiếp tục tăng nhưng thu nhập của người dân phải tăng nhanh hơn. Chúng tôi đề nghị chúng ta tập trung cao hơn cho thủy sản, cho chăn nuôi, thay vì tập trung nhiều vào những lĩnh vực khác. Trong từng lĩnh vực cũng tìm ra những cây, con, có giá trị gia tăng cao hơn để tập trung vào. Ngoài ra áp dụng khoa học, công nghệ cao, áp dụng hệ thống sản xuất có xác nhận để có sản phẩm chất lượng cao hơn, giá thành cao hơn."


Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam - ảnh 2
Mười năm tới, nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20%

Trong vòng mười năm tới, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20%. Với mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, ngành xác định sẽ áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa theo hướng bền vững, giảm chi phí sản xuất, chú trọng cả năng suất và chất lượng lúa, vừa đảm bảo an ninh lương thực đồng thời giữ vững vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo tốp đầu thế giới. Theo đó phấn đấu giá trị gia tăng của gạo xuất khẩu sẽ được nâng thêm 15% vào năm 2015 và từ 20-25% vào năm 2020. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, trong vòng 30-50 năm nữa, giá cả nông sản thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh do nhu cầu tiêu dùng lương thực tăng, việc tiếp tục khai thác thế mạnh sản xuất lúa gạo VN vẫn là hướng đi đúng và cần thiết.


Trong lĩnh vực chăn nuôi, năm 2012 sẽ chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại theo kiểu công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, nghiên cứu phát triển ở quy mô vừa phải, phù hợp với khả năng tài chính, quản lý và xử lý môi trường, khuyến khích loại hình sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị. Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng: "Hiện tại theo thống kê, ước tính chỉ có 7,5 triệu hộ liên quan đến chăn nuôi. Trong giai đoạn hiện nay chúng ta không thể bỏ được mà phải đưa họ vào các chuỗi quản lý sản xuất sản phẩm, tổ chức họ thành những hợp tác xã, tổ đội, các liên minh. Trong mối liên kết đó thì lấy các doanh nghiệp làm đầu mối."



Định hướng tái cơ cấu chung của ngành cũng coi thủy sản là lĩnh vực mũi nhọn tập trung đầu tư. Bộ sẽ chú trọng tới hình thức mở rộng nuôi công nghiệp, thâm canh, có năng suất cao, công nghệ sạch theo quy chuẩn quốc tế, áp dụng rộng rãi, thế mạnh tập trung vào tôm, cá tra, nghêu, áp dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Có thể thấy rằng, trước cuộc khủng hoảng lương thực và cách nhìn mới về phát triển thì nông nghiệp đang dần trở thành một lĩnh vực không chỉ quan trọng mà còn cực kỳ hấp dẫn đứng ở góc độ đầu tư. Ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để đem lại những giá trị kinh tế lớn hơn. Để làm được điều đó ngành đang có sự đổi mới mạnh về thể chế, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đẩy mạnh giá trị gia tăng hàng hóa. Và hơn cả là đổi mới sẽ tạo cho người nông dân nhiều cơ hội để nâng cao thu nhập.


Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nhấn mạnh: "Thời gian tới thách thức rất lớn nhưng cơ hội cũng rất nhiều mà là cơ hội chưa từng có. Tôi tin chắc rằng người nông dân Việt Nam với thái độ đối đầu thẳng thắn với thị trường, tinh thần làm việc hăng say, ý chí sáng tạo thì người nông dân sẽ là người đầu tiên nắm bắt cơ hội này và biến nó thành hiệu quả cho toàn đất nước."


Với những giải pháp được đưa ra trong đề án tái cơ cấu ngành trong năm 2012 hy vọng sẽ tạo đà cho ngành nông nghiệp bứt phá, vươn lên, đồng thời đem lại nhiều cơ hội để người nông dân nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất của mình./.
                                                                                                                                                                                      Ánh Huyền

Phản hồi

Các tin/bài khác