Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

(VOV5)- Tại Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tổ chức ngày 14-8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế của VN trong thời gian tới.

Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi cùng các đại biểu dự Hội nghị.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc



Kết quả của 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO là đáng ghi nhận. Theo đó, nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về hội nhập kinh tế quốc tế được nâng cao.

Trên bình diện đa phương, các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO đã được thực hiện, hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế phù hợp với các nguyên tắc, quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới được bổ sung và hoàn thiện; công tác xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường; về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm được thực hiện đầy đủ.

Trong cả 5 năm, Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển trọng tâm từ phá bỏ thế cô lập về kinh tế để hội nhập vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu sang việc đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trên bình diện khu vực, Việt Nam cũng hội nhập ngày càng sâu với ASEAN, hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015. Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đàm phán hoặc chuẩn bị đàm phán một số hiệp định thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do song phương với EU, triển khai khuôn khổ ASEAN về đối tác kinh tế toàn diện khu vực…

Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam - ảnh 2

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần lương thực Hậu Giang.
Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Tại Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 08, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ: Những thành tựu mà nền kinh tế Việt Nam đạt được trong 5 năm qua là rất đáng ghi nhận. Kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng khá cao trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động vào nền kinh tế Việt Nam. Quy mô nền kinh tế tăng lên và Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển đã trở thành nước đang có thu nhập trung bình. Mặc dù quốc tế có nhiều bối cảnh khó lường, tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu còn dai dẳng nhưng nền kinh tế Việt Nam về cơ bản đã vượt qua được giai đoạn khó khăn với nhiều thách thức trong suốt 5 năm qua. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, cơ cấu mặt hàng có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu thì thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có nhiều tiến bộ đáng kể. Nét mới trong thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài thực hiện trong giai đoạn 2007-2011 là có nhiều dự án lớn với trình độ công nghệ cao hơn. Sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục được duy trì tạo tiền đề cho việc đảm bảo đời sống của nhân dân và giữ vững ổn định xã hội. Nhiều ngành kinh tế đã đứng vững trong cạnh tranh khi Việt Nam mở cửa với bên ngoài và gia nhập WTO.

Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam - ảnh 3

5 năm gia nhập WTO và cũng là 5 năm thực hiện Nghị quyết 08/NQ – TW về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ở mức độ cao và sâu sắc hơn. Theo đó, Việt Nam chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đồng thời, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định:  Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới với mục tiêu cao nhất là tất cả vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích dân tộc. Cho nên cần phải đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế là để thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020. Nói cách khác, hội nhập kinh tế quốc tế là vì lợi ích của đất nước, dân tộc. Hội nhập kinh tế quốc tế là để thực hiện thắng lợi cương lĩnh phát triển đất nước mà đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã thông qua. Và mặt khác, trong mỗi bước thực hiện có kết quả chiến lược phát triển kinh tế xã hội, thực hiện tốt ba khâu đột phá mà chiến lược đã đề ra và thực hiện tốt, có kết quả việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cũng là điều kiện để tạo ra điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.


Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam - ảnh 4

Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn tới cũng được gắn kết hơn nữa với quá trình đổi mới kinh tế - xã hội trong nước để nâng cao hiệu quả và tăng cường sự thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu phát triển chung của đất nước, nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng. Hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thúc đẩy các quan hệ hợp tác song phương, khu vực và đa phương; tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; xây dựng các quan hệ đối tác mới thực sự mang lại lợi ích quốc gia. Việt Nam cũng chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa Hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững độc lập tự chủ, chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng./.

Phản hồi

Các tin/bài khác