Những điều ẩn chứa sau chuyến thăm Washington của Thủ tướng Israel

(VOV5)- Hôm nay (03/03), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trước Quốc hội Mỹ bày tỏ quan ngại của Israel về thỏa thuận quốc tế hạt nhân Iran mà Mỹ và một số đồng minh đang nỗ lực đàm phán để sớm đạt được. Mặc dù biết rõ không được sự hưởng ứng của Nhà Trắng nhưng ông Benjamin Netanyahu vẫn chấp nhận vì những bước đi đầy toan tính trước thềm bầu cử tại Israel ngày 17/3 tới.


Thủ tướng Israel đến Mỹ từ ngày 01/03 theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện John Boehner, nghị  sỹ đảng Cộng hòa, mà không phải theo con đường ngoại giao chính thức từ Nhà Trắng. Trước khi lên máy bay, ông Benjamin Netanyahu khẳng định ông đến Washington với một sứ mệnh lịch sử, thúc giục Quốc hội Mỹ chấp thuận các biện pháp trừng phạt mới với Iran. Chuyến thăm diễn ra chỉ 4 tuần trước thời hạn chót cho một thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân Iran vào ngày 31/03, hướng tới đạt được các thỏa thuận mang tính kỹ thuật muộn nhất là ngày 30/06.  


Nhà Trắng không bật đèn xanh   
Một điều chắc chắn rằng trong chuyến thăm này, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry đều sẽ không gặp Thủ tướng Israel. Lý do mà Nhà Trắng đưa ra là theo truyền thống, Tổng thống Mỹ không gặp lãnh đạo nước ngoài trước thềm bầu cử của nước họ. Trước đó, Tổng thống Barak Obama chỉ trích việc ông Netanyahu đến Mỹ theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Boehner mà không thông qua Nhà Trắng là vi phạm các nguyên tắc căn bản trong quan hệ giữa hai nước. Trong khi đó, Phó tổng thống Joe Biden cũng sẽ vắng mặt trong buổi điều trần dù theo thông lệ, khi có lãnh đạo nước ngoài phát biểu trước Quốc hội, Phó tổng thống phải có mặt. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice chỉ trích Chủ tịch Hạ viện John Boehner mời ông Netanyahu phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào thời điểm chỉ 2 tuần trước cuộc cuộc tổng tuyển cử Israel không phù hợp với tình đồng minh bền chặt Mỹ - Israel. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest thì nói rằng mối quan hệ giữa Israel và Mỹ không thể bị hạ xuống mức quan hệ giữa đảng Likud của Israel và đảng Cộng hòa của Mỹ - hai đảng theo đường lối bảo thủ.

Những điều ẩn chứa sau chuyến thăm Washington của Thủ tướng Israel - ảnh 1
Ông Netanyahu (trái) và ông Obama (ảnh: pnn.ps)

Nước cờ chính trị
Thủ tướng Israel dường như lường trước những phản ứng từ Nhà Trắng song đối với ông, tranh thủ dư luận trước thềm bầu cử ở Israel vào ngày 17/03 quan trọng hơn cả. Thực tế cho thấy vào thời điểm cận ngày bầu cử ở Israel, đối mặt với đối thủ Isaac Herzog của Công đảng, ông Netanyahu đang vận động chính trị cho chính bản thân mình bằng việc chuyển trọng tâm chú ý sang các vấn đề đối ngoại để đối phó với chiêu bài tranh cử nhắm vào các vấn đề về kinh tế và đối nội đang rất khó khăn cho ông. Vì vậy, việc sử dụng vấn đề hạt nhân Iran được xem là phương án tối ưu bởi Iran từ lâu được coi là mối đe dọa nguy hiểm trực tiếp, trước mắt và lâu dài đối với an ninh Israel. Thủ tướng Israel Netanyahu chính là người liên tục chỉ trích việc đàm phán với Iran, ông cho rằng trong các cuộc đàm phán gần đây, Mỹ đã nhượng bộ nhiều trong khi Tehran vẫn có tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân và điều này không chỉ đe dọa an ninh của Israel mà còn gây bất ổn tình hình khu vực Trung Đông và toàn thế giới. Một ngày trước khi đọc diễn văn tại Quốc hội Mỹ, phát biểu trước Ủy ban các vấn đề chung Mỹ - Israel (AIPAC), một nhóm vận động hành lang thân Israel ở Washington, Thủ tướng Benjamin Netanyahu bày tỏ quan ngại rằng nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận hạt nhân với Iran của Tổng thống Mỹ Barack Obama đe dọa tới sự tồn vong của Israel. 


Lý do thứ 2 khiến ông Netanyahu nhận lời phát biểu trước Quốc hội Mỹ còn là vì người dân Israel muốn nhìn thấy Thủ tướng của họ thể hiện mạnh mẽ quan điểm của Israel trước các nghị sỹ Hoa Kỳ. Vì vậy, thành công trong bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ ngày 3/3 đồng nghĩa với việc ghi được những điểm số quan trọng trong cử tri ở quê nhà.


Quan hệ Mỹ và Israel từ lâu trở thành vấn đề quan trọng trên chính trường 2 nước. Israel vốn là đồng minh chiến lược của Mỹ tại Trung Đông. Tuy ông Netanyahu tuyên bố tại Hội nghị thường niên AIPAC ngày 2/3 rằng liên minh Mỹ - Israel đang “bền chặt hơn bao giờ hết”, sẽ tiếp tục phát triển và Nhà Trắng thì phủ nhận tin sẽ cắt viện trợ cho Israel nhưng thực tế quan hệ 2 nước đã có mâu thuẫn. Chuyến thăm Mỹ nhiều toan tính lần này của Thủ tướng Israel khiến mâu thuẫn này thêm sâu sắc./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác