(VOV5) - Báo cáo của Chính phủ nêu bật những giải pháp chính để Chính phủ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017 như Quốc hội đã thông qua.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sáng 22/5, báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trình bày nêu rõ những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong 4 tháng đầu năm 2017. Báo cáo cũng nêu bật những giải pháp chính để Chính phủ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017 như Quốc hội đã thông qua.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN |
4 tháng đầu năm tình hình thế giới diễn biến phức tạp, xung đột xảy ra ở nhiều nơi; kinh tế thế giới khởi sắc nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn; bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng; thị trường tài chính tiền tệ nhiều bất ổn. Trong nước, những hạn chế từ nhiều năm trước tiếp tục bộc lộ rõ hơn nhất là sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Trong bối cảnh đó, để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế đề ra, Chính phủ Việt Nam tập trung vào các giải pháp trọng tâm như ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7%: “Để thực hiện mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, Chính phủ tiếp tục điều hành chủ động kinh hoạt chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác. Đảm bảo tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, ổn định mặt bằng lãi suất: “Chính phủ đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nhà đầu tư, các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những ngành hàng chủ lực; có lộ trình giảm tỷ lệ hàng gia công xuất khẩu và xuất khẩu qua trung gian; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do FTA; áp dụng các biện pháp phòng vệ phù hợp đồng thời chú trọng phát triển và quản lý tốt thị trường trong nước nhất là thị trường bán lẻ; tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng; theo dõi sát diễn biến giá dầu để điều tiết khai thác phù hợp cùng với đó là phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy ngành dịch vụ, phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu cả năm 2017 này thu hút khách quốc tế tăng trên 30%.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu
Việc xử lý nợ xấu và các doanh nghiệp Nhà nước gây thua lỗ cũng là nhiệm vụ sẽ được Chính phủ đẩy mạnh giải quyết trong thời gian tới. Theo đó, tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và cho ý kiến về dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng: “Căn cứ nghị quyết về xử lý nợ xấu nếu được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cơ cấu, hoàn thiện các phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trên nguyên tắc thận trọng, chặt chẽ, đảm bảo an toàn hệ thống; khẩn trương ban hành và thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020;
Đối với 12 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục hoàn thiện cơ chế về cơ cấu lại cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước”.
Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Việc cải thiện thể chế đã thu được những kết quả tích cực trong thời gian qua như xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 9 bậc, sức mua và năng lực sản xuất tăng ổn định, liên tục. Tuy nhiên một số cơ chế chính sách còn bất cập liên quan đến đầu tư kinh đoanh, năng lực cạnh tranh thấp, năng lực khu vực danh nghiệp trong nước chưa cao, gắn kết với khu vực FDI còn hạn chế. Do vậy, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế: “Khẩn trương tổ chức triển khai các luật, nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua, nhất là việc ban hành các văn bản quy định chi tiết; hoàn thiện cơ cấu chính sách đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi bình đẳng, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo các mục tiêu cụ thể đã đề ra; cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Năm 2017 có ý nghĩa quan trọng; kết quả thực hiện nhiệm vụ năm nay mang tính quyết định đến sự thành công của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020. Với những giải pháp mà Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới sẽ góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2017, tạo tiền đề phát triển vững chắc cho những năm tiếp theo.