(VOV5) - Các cấp lãnh đạo Việt Nam xác định rõ cần từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, như: AI, BigData, Blockchain…
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xác định là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để đưa Việt Nam vươn mình bước vào kỷ nguyên mới. Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị (12/2024), Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (13/1), cho thấy rõ tầm quan trọng của khoa học, công nghệ đối với sự phát triển của Việt Nam.
Ảnh minh họa - Nguồn: ictvietnam.vn |
Con đường phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, với các nhiệm vụ và các giải pháp đột phá, không chỉ giúp giải quyết các điểm nghẽn, giải phóng sức sáng tạo, sức lao động và nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học công nghệ, mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ, nâng cao ý thức trách nhiệm của các nhà khoa học cả ở trong và ngoài nước cống hiến, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước.
Quyết sách chiến lược, tư duy và tầm nhìn mới
Lãnh đạo Việt Nam xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực dẫn dắt kinh tế phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới. Việt Nam đặt mục tiêu quy mô kinh tế số Việt Nam tới năm 2030 tối thiểu đạt 30% GDP, đến năm 2045 đạt 50%, đưa Việt Nam trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: "Nghị quyết về phát triển khoa học công nghệ đối với sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một chủ trương, quyết sách chiến lược của Đảng, thể hiện tư duy mới, để thực hiện cho bằng được mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Chúng ta đã trải qua 40 năm đổi mới và phát triển, chúng ta có nền tảng phát triển mới. Để trở thành nước có thu nhập trung bình cao, không còn cách nào khác là phải tạo ra sự đột phá trong sự phát triển của lực lượng sản xuất mới, để có được năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sự phát triển. Như vậy, mới có thể đáp ứng được yêu cầu vươn mình, bứt phá trong kỷ nguyên mới".
Bên cạnh các giải pháp tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của toàn hệ thống chính trị. Các cấp lãnh đạo Việt Nam xác định rõ cần từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, như: AI, BigData, Blockchain…
Với lợi thế này, Việt Nam sẽ hướng đến sự tự chủ về công nghệ, từng bước làm chủ, cạnh tranh công nghệ về một số lĩnh vực, phát huy tối đa trí tuệ Việt Nam gắn với nhanh chóng tiếp thu ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế đa phương, song phương, kịp thời ứng dụng các thành tựu, kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn và điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam; đẩy mạnh ngoại giao công nghệ, thu hút các nguồn lực bên ngoài, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế, nâng cao tự chủ về công nghệ…
Khơi dậy sức sáng tạo và trách nhiệm đóng góp cho đất nước
Những quyết sách đổi mới mà Việt Nam sẽ triển khai trong lĩnh vực khoa học, công nghệ đã tạo ra sự khích lệ mạnh mẽ cho các nhà khoa học và đội ngũ tri thức, đặc biệt là trí thức kiều bào. các nhà khoa học, trí thức kiều bào đánh giá cao bước đột phá mới về việc cho phép thí điểm các vấn đề mới từ thực tiễn, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với mục tiêu cụ thể đến 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển đạt 2% GDP.
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước tạo niềm tin mạnh mẽ, giúp thu hút thêm nhiều tài năng khoa học ở nước ngoài, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của đất nước. GS.TS. Nguyễn Xuân Huấn, Chủ tịch Hội Trí thức Việt tại Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland, cho rằng: "Tổng Bí thư thể hiện một cam kết mạnh mẽ như vậy thì sẽ có tác động rất lớn đến niềm tin. Hội đồng tư vấn có sự tham gia của cả các chuyên gia quốc tế thì rõ ràng đây là cơ hội cho kiều bào trí thức. Họ luôn luôn muốn hướng về Việt Nam và đóng góp cho Việt Nam".
Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, diễn ra hôm nay (13/1), tại Hà Nội, một lần nữa, niềm tin và tinh thần quyết tâm ấy tiếp tục được Tổng Bí thư cùng Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội lan tỏa và chỉ đạo cụ thể. Nghị quyết 57 cùng kết quả Hội nghị là điểm tựa để Việt Nam bước vào giai đoạn tiến lên đột phá, vươn mình phát triển mạnh mẽ, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.