(VOV5) - Tất cả những yếu tố này tiếp tục là tiền đề vững chắc để Việt Nam vững bước vào năm 2021 và những năm tiếp theo với tâm thế mới.
Thế và lực mới của đất nước sau 35 năm Đổi mới, sự vững mạnh, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đồng hành, ủng hộ của nhân dân cũng như sự trưởng thành, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ đối ngoại. Tất cả những yếu tố này tiếp tục là tiền đề vững chắc để Việt Nam vững bước vào năm 2021 và những năm tiếp theo với tâm thế mới.
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tạo nền tảng để thực hiện khát vọng phát triển, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: baoquocte.vn |
Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại Việt Nam năm 2021 là tổ chức triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, làm sâu sắc quan hệ với các nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần củng cố môi trường hòa bình, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, chưa từng có tiền lệ, nhất là đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc và toàn diện đến mọi mặt đời sống quốc tế và quan hệ quốc tế, công tác đối ngoại của Việt Nam tiếp tục nỗ lực vượt qua thách thức, tạo dựng và tranh thủ thời cơ, triển khai đồng bộ, toàn diện, thích ứng năng động, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho mục tiêu trước hết là 2025 vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tạo tiền để để thực hiện đến 2030, 2045 trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: nhandan.com |
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh: "Để thực hiện, có 3 trọng tâm đối ngoại cần triển khai. Trước hết, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược, toàn diện đi vào chiều sâu, thực chất, bền vững hơn nữa, trong đó chú trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, giáo dục đào tạo…Thứ hai, là sự phối hợp giữa đối ngoại quốc phòng, an ninh và giữa các kênh đối ngoại Đảng, Nhà nước, nhân dân cần phải tạo thế hiệp đồng tác chiến vững chắc, để bảo vệ lợi ích của chúng ta, thúc đẩy an ninh, phát huy lợi thế của đối ngoại để xử lý từ sớm, từ xa những nguy cơ đối với an ninh quốc gia, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống."
Để tiếp tục nâng cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: "chưa bao giờ cơ đồ của Việt Nam trên trường quốc tế cao như ngày nay", nhiệm vụ của đối ngoại Việt Nam năm 2021 là tiếp tục phát huy vai trò của đối ngoại đa phương, là thành viên tích cực, chủ động, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế để cùng quốc tế xử lý hiệu quả các thách thức chung của khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại hội nghị tổng kết năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020. Ảnh: baoquocte.vn |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ: "Việt Nam tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế thông qua các hoạt động ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhưng đồng thời trong ASEAN, chúng ta phải làm sao phát huy được những kết quả của năm Chủ tịch vừa qua, tiếp tục duy trì đà phát triển của ASEAN cũng như những sáng kiến, những nội dung của ASEAN trong năm 2020. Việt Nam đã tham gia, đã ký kết các hiệp định thương mại tự do và tiếp tục sẽ có các hiệp định thương mại tự do được phê chuẩn. Vì vậy phải làm sao thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đã mang lại. Và nhiệm vụ quan trọng nhất, đó là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo của đất nước. Đó là mục tiêu hết sức lớn lao xuyên suốt".
Báo cáo chính trị văn kiện Đại hội XIII của Đảng vừa qua đề cập rất nhiều vấn đề, trong đó đánh giá công tác đối ngoại thời gian qua giành được những thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng, nhiều dấu ấn nổi bật. Nhìn lại năm 2020, một năm với bộn bề thử thách, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò kép Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Bên cạnh đó, bất chấp đại dịch Covid-19, đà hợp tác giữa Việt Nam với các nước vẫn được duy trì và phát triển, thậm chí còn bứt phá với các FTA được ký kết và có hiệu lực. Có thể nói, càng trong lúc khó khăn, những dấu ấn mang đậm tinh thần Việt Nam càng được nhân lên và tỏa sáng, để vừa khẳng định vai trò và tiếng nói của quốc gia, vừa góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và toàn cầu.
Với những dấu ấn thành công đó, Việt Nam có thể tự hào vững tin bước tiếp trong hành trình hội nhập và phát triển cùng cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại trong năm 2021, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, để vị thế Việt Nam ngày càng lớn mạnh, thể hiện thực lực đất nước và khát vọng phát triển ngày càng lớn mạnh, phồn vinh.