(VOV5) -Những phiên chất vấn có tác dụng tích cực tới mọi mặt,giúp cho người dân hiểu Quốc hội đang hoạt động như thế nào và tình hình đất nước ra sao.
Theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn (từ ngày 16 đến ngày 18/11/2017). Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội được tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình để nhân dân và cử tri cả nước theo dõi.
Chất vấn là hoạt động giám sát quan trọng của Quốc hội. Theo đó, đại biểu Quốc hội, đại diện cử tri cả nước, chất vấn các thành viên Chính phủ và các thành viên khác trong bộ máy Nhà nước, làm rõ những vấn đề mà dư luận cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. Từ đó, Quốc hội, Chính phủ làm rõ vấn đề và có các giải pháp đúng đắn, kịp thời để đưa đất nước phát triển, tiến lên.
4 nhóm vấn đề tập trung chất vấn và trả lời chất vấn
Tại kỳ họp này, dự kiến có 4 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trả lời về công tác quản lý thuế; hải quan và giải pháp tăng cường quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn, hiệu quả. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng sẽ làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng tín dụng hợp lý, an toàn và các giải pháp an toàn, hiệu quả cho hệ thống ngân hàng.
Nhóm vấn đề thứ ba là giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính; việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp sẽ được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết:
“Qua tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội ở nghị trường, chúng tôi tập hợp được 24 vấn đề chất vấn. Tiêu chí để chọn là những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước mà nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Tới đây, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các Ủy ban Quốc hội giám sát lĩnh vực người phụ trách xem thực hiện đến đâu và báo cáo Quốc hội, kể cả có những việc thuộc về khóa trước nhưng Quốc hội vẫn tiếp tục theo dõi, nếu còn nội dung nào chưa thực hiện thì phải tiếp tục làm. Quốc hội giám sát đến cùng các nội dung mà các thành viên Chính phủ phải làm.”
Thực hiện lời hứa, đáp ứng nguyện vọng cử tri
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã tạo nên không khí cởi mở, thẳng thắn và dân chủ tại các kỳ họp Quốc hội. Những phiên chất vấn có tác dụng tích cực tới mọi mặt đời sống, chính trị, kinh tế, xã hội, giúp cho người dân hiểu Quốc hội đang hoạt động như thế nào và tình hình đất nước ra sao.
Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) |
Thời gian gần đây Quốc hội tăng thời gian chất vấn ở trong các kỳ họp từ 2,5 ngày lên 3 ngày. Đại biểu Quốc hội cũng có thể chất vấn quanh năm, bất kỳ lúc nào chứ không chỉ tại kỳ họp Quốc hội. Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng:
“Những vấn đề nào thấy bức xúc là chúng tôi gửi văn bản và nhận được trả lời, giúp cho cử tri nắm được thực tiễn đất nước. Phải nói rằng hậu chất vấn là vấn đề cần thiết bởi vì chất vấn nói cho cùng là để phát hiện ra những yếu kém và để từ đó khắc phục. Tôi thấy Quốc hội ngày càng quan tâm đến việc các bộ, ngành phải báo cáo việc làm kỳ trước đã nêu ra. Qua trao đổi, tôi thấy các bộ trưởng quan tâm, coi trọng nội dung chất vấn.”
Thời gian qua, nhiều ý kiến chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội đã được giải đáp, trả lời thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm. Nhiều “lời hứa” đã được thực hiện, đi vào hiện thực trong cuộc sống, tạo niềm tin cho cử tri, nhân dân cả nước.