(VOV5) - Vào ngày 21/4, đúng dịp lễ Phục sinh, hàng loạt vụ đánh bom diễn ra tại nhiều nhà thờ và khách sạn sang trọng ở thủ đô Sri Lanka khiến 290 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng vì một loạt vụ khủng bố gây thương vong lớn tại Sri Lanka sau 1 thập kỷ chấm dứt nội chiến tại quốc gia Nam Á này.
Vụ việc không đơn thuần là công việc nội bộ của một quốc gia bởi nó có dấu vết của khủng bố quốc tế. Đây chính là lời cảnh tỉnh cho tất cả các quốc gia không chủ quan trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Lực lượng an ninh được triển khai bên ngoài một nhà thờ ở Colombo, Sri Lanka, sau loạt vụ nổ ngày 21/4/2019. - Ảnh: THX/ TTXVN
|
Vào ngày 21/4, đúng dịp lễ Phục sinh, hàng loạt vụ đánh bom diễn ra tại nhiều nhà thờ và khách sạn sang trọng ở thủ đô Sri Lanka khiến 290 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Đây là vụ đánh bom nhắm vào thường dân đẫm máu nhất trong lịch sử của đảo quốc Nam Á này kể từ sau cuộc nội chiến kéo dài 26 năm kết thúc vào năm 2009. Ngày 22/4, một chiếc xe cũng đã phát nổ gần nhà thờ St.Anthony ở Colombo, Sri Lanka, khi các lực lượng chức năng đang tìm cách tháo ngòi nổ của quả bom trên xe.
Đối với nhiều người Sri Lanka, loạt vụ đánh bom làm họ nhớ lại ký ức buồn về cuộc xung đột kéo dài ba thập niên khiến hơn 100.000 người thiệt mạng.
Dấu vết của khủng bố quốc tế
Một ngày sau các vụ đánh bom, giới chức Sri Lanka đưa ra tuyên bố chính thức rằng nhóm Hồi giáo cực đoan National Thowheeth Jama'ath (NTJ) chính là thủ phạm. Vấn đề ở chỗ NTJ được mạng lưới khủng bố quốc tế tiếp tay. Đây là nhận định có cơ sở vì thực tế, NTJ chỉ là một nhóm cực đoan nhỏ, ít tên tuổi ở Sri Lanka được biết đến với các hoạt động phá hoại tượng Phật trong nước vào năm 2018. Từ trước đến nay, NTJ không có hồ sơ liên quan tới các cuộc tấn công khủng bố gây chết người hàng loạt nên khả năng nhóm này tự lên kế hoạch rồi thực hiện đánh bom khủng bố liên hoàn ở nhiều địa điểm có người Thiên chúa giáo là điều không thể.
Giới phân tích cho rằng không loại trừ khả năng tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) đứng sau giật dây vụ tấn công để lấy lại thanh thế sau khi gần như bị quét sạch tại Iraq và Syria. Cuộc khủng bố của NTJ có tất cả các đặc điểm của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Đó là nhằm tới dân thường, được tiến hành một cách dã man để tạo hiệu quả tối đa. Chúng cũng lựa chọn những địa danh nổi tiếng tập trung đông người và nhiều du khách nước ngoài. Bằng chứng có sự dính líu hay ảnh hưởng của IS đến vụ việc càng rõ hơn khi nhiều nguồn tin trong cộng đồng Hồi giáo ở Sri Lanka cho thấy NTJ đã công khai ủng hộ IS và kẻ sáng lập NTJ Zahran Hashim, bị cáo buộc là một trong những kẻ đánh bom.
Lo ngại những xung đột mới
Sri Lanka vốn có một lịch sử dài chống chủ nghĩa khủng bố và ly khai. Ở một đất nước đa tôn giáo, đa sắc tộc với nhiều biến cố trong lịch sử như Sri Lanka, có lẽ những mầm mống xung đột luôn tiềm ẩn và dễ dàng bùng phát. Cộng đồng người Cơ đốc giáo chỉ chiếm khoảng 7-8% dân số nước này, người Hồi giáo 10%, Hindu giáo 13%, còn lại là Phật giáo. Xung đột giáo phái và sắc tộc trở thành vấn đề dai dẳng làm đau đầu tất cả các chính phủ ở Sri Lanka. Do vậy, động cơ của những kẻ đánh bom khủng bố tuy chưa được xác định rõ, song nhiều nhà phân tích tin rằng vụ việc nhằm vào cộng đồng người Thiên Chúa giáo sẽ lại làm nhen nhóm nguy cơ xung đột sắc tộc ở quốc gia Nam Á này.
Trên bình diện thế giới, vụ tấn công đẫm máu tại Sri Lanka gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các quốc gia rằng việc IS bị đánh bại ở Trung Đông không có nghĩa là chúng đã hoàn toàn biến mất. Indonesia, quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới, đã đẩy mạnh giám sát và tình báo các hoạt động của các "mạng lưới khủng bố đang ẩn náu". Cảnh sát được đặt trong tình trạng báo động về nguy cơ xảy ra tình trạng bất ổn an ninh, đặc biệt là các âm mưu của các nhóm phiến quân. Tại châu Mỹ, Washington khẳng định khủng bố Hồi giáo cực đoan vẫn là mối đe dọa trên toàn cầu và nước Mỹ sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại mối đe dọa này.
Loạt vụ đánh bom những ngày qua đã chấm dứt 1 thập kỷ hòa bình ở Sri Lanka sau khi cuộc nội chiến kết thúc ở quốc gia này năm 2009. Vụ việc không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của Sri Lanka mà còn cho thấy chủ nghĩa khủng bố vẫn có thể hiện diện ở bất cứ đâu, nếu con người mất cảnh giác.