(VOV5) - Trong bài phát biểu được cho là quan trọng nhất kể từ khi đảm nhận cương vị người đứng đầu chính phủ Anh, ngày 17/1, lần đầu tiên Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định Anh sẽ rời khỏi thị trường chung châu Âu đồng thời bà cũng công bố lộ trình 12 điểm cho việc Anh tách khỏi 27 quốc gia thành viên EU.
|
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước báo giới ở Số 10 phố Downing. Ảnh: Reuters |
Tuyên bố trên của bà Theresa May cho thấy quan điểm cứng rắn của London không muốn tìm kiếm một thỏa thuận nửa vời với EU, dập tắt những đồn đoán cho rằng nước Anh mơ hồ về tiến trình thực hiện
Brexit.
Bài phát biểu của Thủ tướng Anh được dư luận chờ đợi từ lâu vì nó cho thấy đường hướng rõ ràng nhất mà nước Anh sẽ theo đuổi để hiện thực hóa việc rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Bài phát biểu cũng cho thấy nước Anh chuẩn bị bước vào đàm phán với EU trong tâm thế không muốn dằng dai, đúng hạn đã định. Điều này cũng sẽ giúp cho tiến trình đàm phán có thể bớt giằng co qua lại.
Brexit cứng
Brexit cứng có nghĩa thị trường chung châu Âu và liên minh thuế quan không còn Anh. Quan hệ thương mại giữa Anh và EU sẽ theo luật của WTO. Như vậy có nghĩa là Anh có thể trở thành quốc gia độc lập trong thương mại toàn cầu, có thể tự quyết định vận mệnh của mình, kiểm soát người nhập cư hay hưởng mọi lợi ích Anh đáng được hưởng và không phải chia sẻ trách nhiệm với EU.
Quan điểm của người đứng đầu Chính phủ Anh về quan hệ với EU sau khi cử tri Anh quyết định rời liên minh này không phải là điều quá bất ngờ so với những phát ngôn từ trước tới nay của bà. Anh đã lựa chọn rời EU theo phương án cứng vì đã tính tới những con đường khác cho nền kinh tế sắp tới. Thủ tướng Theresa May, trong bài phát biểu ngày 17/1, nhấn mạnh nước Anh sẽ không đi theo một mẫu thỏa thuận nào sẵn có, mà sẽ tìm kiếm một thỏa thuận mà Anh mong muốn với EU. Cụ thể là Anh mong muốn sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU, trong đó cho phép Anh tự do tiếp cận các thị trường châu Âu và loại bỏ tối đa các rào cản thương mại. Người đứng đầu Chính phủ Anh cho thấy sự cứng rắn của mình khi nhấn mạnh "thà không ký một thỏa thuận nào còn tốt hơn ký một thỏa thuận tồi." Theo bà, điều này không đồng nghĩa với việc Anh muốn tìm kiếm một cơ chế thành viên hợp tác hay thành viên một phần của EU, thay vào đó, Anh có thể trở thành một đối tác mới và bình đẳng với khối liên minh này. Nữ chính khách cũng cảnh báo các quốc gia thành viên EU không được thúc đẩy một thỏa thuận trừng phạt về việc Brexit vì đó sẽ là "hành động tự hại mình.". Bà Theresa May cũng không quên truyền đi thông điệp hợp tác với các quốc gia khác khi cam kết sẵn sàng ký kết các thỏa thuận mới với các nước trên toàn thế giới.
Rõ ràng, tuyên bố của Thủ tướng Anh cho thấy quan điểm cứng rắn của Anh không muốn tìm kiếm một thỏa thuận kiểu nửa vời với EU. Mọi việc phải dứt khoát, rạch ròi. Để triển khai chủ trương này, bà May cũng nêu lên 12 mục tiêu đàm phán với 27 nước thành viên EU liên quan đến Brexit, trong đó nhấn mạnh nước Anh sẽ không ở lại Khu vực thị trường chung châu Âu sau khi chia tay EU; không nằm trong liên minh thuế quan, song sẽ nỗ lực đạt được một thỏa thuận thuế quan mới nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động giao dịch thương mại qua biên giới; tiếp tục "đóng góp hợp lý" vào ngân sách EU, song không "đóng góp lớn"; kiểm soát biên giới và kiểm soát số lượng công dân EU sang Anh; tiếp tục hợp tác an ninh với EU đồng thời duy trì khu vực đi lại chung giữa Anh và Ireland.
Rời Liên minh châu Âu, không phải rời châu Âu
Tuy khẳng định nước Anh trong giai đoạn tới sẽ có một tầm nhìn hướng ra toàn cầu, tìm kiếm các đối tác mới trên khắp thế giới nhưng người đứng đầu nội các Anh vẫn tuyên bố nước Anh rời Liên minh châu Âu chứ không rời châu Âu. Châu Âu vẫn là đồng minh quan trọng, đối tác thương mại của Anh sau này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk đánh giá bài phát biểu của người đứng đầu nội các Anh đã cung cấp một bức tranh "thực tế hơn" và rõ ràng hơn về những gì London cần trong tiến trình này. Ông cũng cho biết 27 nước thành viên khác trong EU sẽ đoàn kết và chuẩn bị sẵn sàng đàm phán sau khi Anh "kích hoạt" Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, thủ tục pháp lý khỏi động tiến trình đàm phán rời EU của Anh. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đánh giá cao sự mạch lạc trong bài phát biểu của Thủ tướng Anh Theresa May. Bà đồng thời cho biết các thành viên còn lại của EU sẽ tiến hành các cuộc thương lượng với London trên tinh thần hòa hợp.
Khi đưa ra tuyên bố dứt khoát về quan hệ giữa Anh và EU, tại tòa nhà Lancapster ở thủ đô London, nơi người đàn bà thép Maganet Thatche từng ca ngợi thị trường chung châu Âu, bà Theresa May hy vọng thế hệ trẻ sau này khi nhìn lại sẽ thấy Chính phủ Anh đã vẽ ra 1 tương lai tươi sáng hơn, xây dựng một nước Anh mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, hiện bà Theresa May còn phải vượt qua một thử thách khác là chờ phán quyết của Tòa án tối cao Anh về việc liệu Chính phủ Anh có cần được Quốc hội bỏ phiếu chấp thuận mới được kích hoạt điều 50 về việc ra khỏi EU hay không. Phán quyết sẽ được đưa ra trong tháng 1 này. Mặc dù vậy, khả năng cao là các nghị sĩ sẽ không bỏ phiếu đi ngược lại kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Điều đó đồng nghĩa với việc điều 50 sẽ được kích hoạt theo đúng kế hoạch vào cuối tháng 3/2017.