(VOV5) - Ngày 20/1 (giờ Mỹ) diễn ra sự kiện trọng đại và được dư luận nước Mỹ cũng như thế giới chờ đợi: lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Sự kiện không chỉ đánh dấu sự thay đổi quan trọng về mặt nhân sự trong bộ máy chính quyền Mỹ, mà còn được nhận định là sự khởi đầu của nhiều thay đổi to lớn liên quan đến chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia siêu cường số một thế giới.
Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden, Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, diễn ra ngày 20/1, mà không có sự tham dự của Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump. Đây được coi là điều chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, phản ánh những mâu thuẫn và khác biệt sâu sắc về quan điểm lãnh đạo của hai nhà lãnh đạo. Bởi thế, mối quan tâm hàng đầu của dư luận lúc này chính là các bước đi đầu tiên của tân Tổng thống Joe Biden sẽ khác biệt ra sao so với người tiền nhiệm.
Rợp cờ tại Công viên quốc gia National Mall, Washington, Mỹ chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: AP |
Đảo ngược nhiều chính sách của chính quyền tiền nhiệm
Ít ngày trước lễ nhậm chức Tổng thống của ông Joe Biden, hôm 16/1, Chánh văn phòng tương lai của Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, ông Ron Klain gửi bản ghi nhớ tới báo giới, trong đó cho biết: ngay trong ngày nhậm chức (20/1), Tổng thống Joe Biden dự kiến ký khoảng một chục sắc lệnh hành pháp, trong đó nhiều sắc lệnh có tính chất đảo chiều các chính sách của Chính quyền tiền nhiệm như tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (COP21) và bãi bỏ lệnh cấm đi lại với các quốc gia Hồi giáo.
Tiếp đó, theo một số nguồn tin, tân Tổng thống Mỹ cũng sẽ công bố dự thảo luật nhập cư mang tên Dreamers, vạch lộ trình 8 năm để khoảng 11 triệu người sống tại Mỹ có thể trở thành công dân Mỹ. Dự luật là bước đi để tân Tổng thống thực hiện cam kết quan trọng trong chiến dịch tranh cử đối với cử tri Latinh và các cộng đồng nhập cư khác sau bốn năm Tổng thống Trump áp dụng các chính sách hạn chế nhập cư và trục xuất hàng loạt người di cư trái phép. Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden gọi các hành động của chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề nhập cư là "cuộc tấn công không ngừng" vào các giá trị của Mỹ và khẳng định sẽ "khắc phục thiệt hại".
Gần 2 tuần sau đám đông hỗn loạn tại Điện Capitol, nước Mỹ thắt chặt an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 20-1. Ảnh: AP |
Chưa hết, ngày 18/1, Thư ký báo chí của Tổng thống đắc cử là Jen Psaki cho biết, Chính quyền mới dự định sẽ không dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh vào ngày 26/1 tới, mà ngược lại sẽ tăng cường các biện pháp y tế công cộng liên quan đến việc di chuyển liên quốc gia, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Nhà Trắng xác nhận lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với hành khách từ Anh cùng 26 nước trong khối Schengen và Brazil, sẽ hết hiệu lực từ ngày 26/1.
Theo các đánh giá, hầu hết các biện pháp đảo ngược chính sách của tân Tổng thống tập trung vào các vấn đề mà Tổng thống tiền nhiệm đã theo đuổi và không cần được Quốc hội thông qua.
Thách thức
Thế nhưng, đảm nhận chức Tổng thống Mỹ trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, nhiều vấn đề liên quan trong số đó được đánh giá là đặc biệt tồi tệ như những rắc rối xung quanh tiến trình bầu cử Tổng thống năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19, mối quan hệ Mỹ-Trung ở mức xấu nhất trong nhiều thập kỷ qua…, Tổng thống mới của Mỹ hiển nhiên phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: AP |
Trong đó, giới phân tích nhận định, hàn gắn sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ sau một loạt biến cố thời gian qua là thách thức nan giải nhất với ông Joe Biden. Theo đó, trước tiên, Tổng thống Biden cần phải có được “chiến thắng” ngay trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20/1 trong một bối cảnh chưa từng có tiền lệ là không có người tiền nhiệm tham dự để cảm ơn và được chúc mừng, trong tình trạng an ninh căng thẳng sau vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội trên Đồi Capitol hôm 6/1 và nhất là có rất nhiều đảng viên Cộng hòa nghi ngờ kết quả bầu Tổng thống vừa qua với chiến thắng thuộc về ông Biden.
Tiếp đến, vấn đề đối phó hậu quả do đại dịch Covid-19 và việc khôi phục nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng, cũng đều là những thách thức nặng nề với Tổng thống mới. Về đối ngoại, việc xử lý quan hệ Mỹ-Trung vốn đang trong tình trạng cực kỳ căng thẳng, cải thiện quan hệ hai bờ Đại Tây Dương hay thay đổi cách tiếp cận vấn đề hạt nhân Iran, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên…, cũng đều được cho là những thách thức lớn với Chính quyền Tổng thống Biden.
Mặc dù vậy, theo các nhà phân tích, Tổng thống mới của Mỹ vẫn có những thuận lợi nhất định trong việc lãnh đạo đất nước. Trong đó, đáng kể nhất là việc đảng Dân chủ chiếm đa số ghế và đang kiểm soát Hạ viện, đồng thời có lợi thế lớn ở Thượng viện khi cùng có 50 ghế Thượng nghị sỹ như phe Cộng hòa, song lại có tiếng nói quyết định từ vị trí Chủ tịch Thượng viện, chức vụ sẽ do Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris của đảng Dân chủ nắm giữ.