Nước Mỹ sau bầu cử: Hướng tới đoàn kết và hàn gắn

(VOV5) -  Nước Mỹ đang đối mặt với rất nhiều thách thức như dịch COVID - 19, mâu thuẫn sắc tộc, chăm sóc sức khỏe y tế, các vấn đề đối ngoại.... 

Nước Mỹ vừa trải qua cuộc bầu cử Tổng thống lịch sử với sự cạnh tranh quyết liệt giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, đại diện cho đảng Cộng hòa và ông Joe Biden, đại diện đảng Dân chủ. Dù Nhà Trắng đến giờ vẫn chưa tuyên bố xác nhận kết quả song cuộc bầu cử cho thấy phần nào sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ. Và nhiệm vụ của Tổng thống thứ 46 trong lịch sử nước Mỹ là phải đoàn kết và gắn kết người dân. Một nhiệm vụ không dễ dàng trong bối cảnh nước Mỹ đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch COVID – 19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các cuộc bầu cử Tổng thống là dịp để người dân Mỹ bộc lộ mong muốn đội ngũ lãnh đạo nhiệm kỳ mới mà họ tin tưởng trao gửi lá phiếu. Cuộc bầu cử năm nay cho thấy con số kỷ lục cử tri của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, họ không tìm thấy tiếng nói chung về nguyện vọng đối với tổng thống cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Nước Mỹ sau bầu cử: Hướng tới đoàn kết và hàn gắn - ảnh 1Ông Joe Biden và bà Kamala Harris có bài phát biểu tuyên bố chiến thắng ở thành phố Wilmington, bang Delaware tối 7-11 (sáng 8-11, giờ Việt Nam). - Ảnh: AP  

Một nước Mỹ chia rẽ

Giới phân tích cho rằng, nước Mỹ của năm 2020 bị chia rẽ sau nhiều thập niên. Số lượng cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục ở nhiều nơi để thể hiện ý chí chính trị trong bối cảnh dịch bệnh là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ giữa những người ủng hộ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.

Theo khảo sát của AP sau cuộc bầu cử, người ủng hộ 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa có quan điểm khác biệt rõ rệt về những vấn đề ưu tiên và những thách thức mà đất nước đang đối mặt. Cụ thể, những người bỏ phiếu cho ông Biden muốn chính phủ liên bang ưu tiên hạn chế sự lây lan của dịch COVID -19 ngay cả khi điều này đồng nghĩa nền kinh tế có thể chịu thêm tổn thất. Trái lại, hầu hết cử tri ủng hộ ông Trump muốn có một hướng tiếp cận tập trung vào nền kinh tế.

Ngoài ra, khoảng 50% người bỏ phiếu cho ông Trump xem kinh tế và việc làm là những vấn đề hàng đầu của đất nước. Tuy nhiên, chỉ 10% cử tri chọn ông Biden chia sẻ quan điểm này. Liên quan đến vấn đề chủng tộc, hầu hết người bỏ phiếu cho ông Biden xem phân biệt chủng tộc là vấn đề nghiêm trọng, so với tỉ lệ hơn 50% của cử tri ủng hộ ông Trump.

Một hình ảnh gây chú ý cho dư luận khi nhiều cửa hàng phải gia cố vì lo ngại bạo loạn xảy ra sau cuộc bầu cử vốn vẫn được coi là biểu tượng và là dịp thể hiện sự tự do và dân chủ của xã hội Mỹ.

Ngay cả việc kiểm phiếu cũng chia rẽ người Mỹ. Nhiều ngày sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, tranh cãi vẫn xảy ra. Những người ủng hộ Tổng thống Trump tụ tập biểu tình tại các điểm kiểm phiếu, nơi kiểm đếm phiếu bầu qua thư - phương pháp bầu cử mà nhiều đảng viên Dân chủ ủng hộ trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tại nhiều nơi, các đám đông có quy mô từ vài chục đến vài nghìn người ủng hộ Tổng thống Donald Trump cho rằng hội đồng kiểm phiếu đã thiên vị Đảng Dân chủ. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố khởi kiện về kết quả bầu cử.

Bên cạnh sự chia rẽ về chính trị, nước Mỹ còn đối mặt với sự chia rẽ về sắc tộc khi trong năm 2020 xảy ra phong trào phản kháng, đòi bình đẳng cho người da màu sau cái chết của George Floyd và đi kèm với đó là làn sóng bạo lực gia tăng, gây bất ổn trên nhiều vùng của nước Mỹ. 

Những chia rẽ trong lòng nước Mỹ khiến Tổng thống tiếp theo sẽ đối mặt với sự hoài nghi về tính toàn vẹn của lá phiếu và khối cử tri kích động đang bị chia rẽ ngày càng sâu sắc bởi các vấn đề xã hội như: Nạn phân biệt chủng tộc, kiểm soát súng đạn, chăm sóc y tế…

Kêu gọi đoàn kết, hàn gắn

Nhìn nhận về tình hình nước Mỹ ở thời điểm hiện nay, nhà sử học Barbara Perry, Giám đốc trung tâm Miller chuyên nghiên cứu lịch sử tổng thống thuộc đại học Virginia (Mỹ), cho rằng trừ thời Nội chiến, bà không nghĩ là nước Mỹ đã trải qua thời kỳ nào sự chia rẽ tiềm ẩn nhiều hiểm họa như lần này.

Trước mâu thuẫn trong xã hội Mỹ,  trong bài phát biểu sau bầu cử (7/11), ứng cử viên Joe Biden đưa ra thông điệp “tăng cường đoàn kết và cố gắng xoa dịu những chia rẽ trên chính trường Mỹ”. Ông Joe Biden nhấn mạnh rằng đây là thời gian để hàn gắn nước Mỹ. Ông cam kết sẽ không tìm kiếm sự chia rẽ mà tìm kiếm sự thống nhất. Đối với ông, không có những tiểu bang màu đỏ, màu xanh mà là một hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Nước Mỹ đang đối mặt với rất nhiều thách thức như dịch COVID - 19, mâu thuẫn sắc tộc, chăm sóc sức khỏe y tế, các vấn đề đối ngoại....Trong bối cảnh đó, một nước Mỹ chia rẽ sẽ rất khó để giúp cường quốc này triển khai các chính sách để phát triển đất nước. Chỉ có đoàn kết, hàn gắn, vị Tổng thống thứ 46 của Mỹ mới có thể chèo lái nước Mỹ vượt qua từng thách thức trong nhiệm kỳ 4 năm tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác