Phát huy tối đa quyền làm chủ của công dân thông qua từng lá phiếu

(VOV5) -  Ngày 22 tháng 5 tới, việc cử tri sáng suốt lựa chọn người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp chính là minh chứng rõ nhất cho quyền công dân của một nước độc lập, tự do và dân chủ, phát huy tối đa quyền làm chủ của mình.


Ngày 22/5, cử tri Việt Nam sẽ đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Mỗi lá phiếu không chỉ là minh chứng cho quyền công dân của một nước độc lập, tự do và dân chủ mà còn thể hiện lòng tin, sự gửi gắm trách nhiệm của hàng triệu cử tri cả nước đối với những người được bầu. 

Phát huy tối đa quyền làm chủ của công dân thông qua từng lá phiếu - ảnh 1
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

                                  

Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Từ Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam, cho đến Hiến pháp 2013 (tại điều 27). Phát biểu nhân dịp chào mừng các vị ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý, là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà. Vì vậy, đối với lợi ích chung của Tổ quốc cũng như đối với lợi ích riêng của mỗi người, cử tri phải làm tròn nhiệm vụ của mình tức là phải nhắc nhở nhau hăng hái đi bỏ phiếu ngày Tổng tuyển cử".


Mỗi lá phiếu như một viên gạch đặt nền móng xây dựng đất nước giàu mạnh

Trong dịp Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “mỗi lá phiếu như viên gạch đặt nền móng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”. Trên tinh thần tổng tuyển cử năm 1946, cho đến các kỳ bầu cử Quốc hội sau này,  Đảng, Nhà nước vẫn luôn đề cao việc phát huy tinh thần, ý chí làm chủ của người dân. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cho biết: “Thông qua lá phiếu của mình, mỗi cử tri góp phần xây dựng Nhà nước ngày càng vững mạnh. Cũng qua lá phiếu để bày tỏ tình yêu đất nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết xây dựng và phát triển đất nước.Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV sắp tới, theo tôi nên phát huy tinh thần này. Một Nhà nước tổ chức bầu cử thật sự phát huy dân chủ đồng thời cử tri ý thức quyền dân chủ của mình và quyền làm chủ của mình để thông qua lá phiếu lựa chọn đại biểu xứng đáng đại diện cho nhân dân, đóng góp vào sự phát triển nhà nước”.

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, cho rằng Luật pháp quy định đi bầu cử không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của công dân. Quyền là bầu ra những người đại diện cho mình trong các cơ quan quyền lực của nhà nước. Còn nghĩa vụ là lựa chọn ra người thực sự xứng đáng, thực sự tiêu biểu để bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước thay mặt mình quyết định những vấn đề thuộc về Luật pháp, chủ trương chính sách, phát triển kinh tế-xã hội. Ông Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh: “Cử tri bầu những người sau này thay mặt mình vào những cơ quan quyền lực của nhà nước ở Trung ương và địa phương. Như vậy, các cử tri cần ý thức trong việc xây dựng nhà nước, chính quyền bằng cách đi bầu cử đông nhất. Đặc biệt quan tâm nghiên cứu tiểu sử, những vấn đề liên quan đến những người ứng cử hết sức chu đáo, kỹ lưỡng vì cùng một lúc chúng ta tổ chức 4 cấp, cả Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh , huyện xã. Trong cùng lúc ở mỗi nơi bầu cử có 4 danh sách, nếu không nghiên cứu kỹ  rất khó lựa chọn chính xác người mà mình bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước”.


Quan tâm đến chương trình hành động
của ứng cử viên

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc lựa chọn người vào cơ quan quyền lực Nhà nước, nhiều cử tri dành sự quan tâm đặc biệt đến chương trình hành động của các ứng cử viên. Ông Đinh Xuân Ngợi, cử tri quận Ba Đình chia sẻ: “Đại biểu quốc hội phải sát dân, gần dân, thu thập ý kiến của nhân dân để phán ánh với quốc hội như thế mới làm tốt trách nhiệm của mình. Các vị ứng cử viên phải có chương trình hành động báo cáo trước nhân dân rõ ràng”. Ông Phạm Huy Thụ, cử tri quận Đống Đa, cho rằng: “Muốn biết đại biểu có đủ năng lực hay không, chúng tôi sẽ nghe dự kiến công tác của họ. Xem họ làm như thế nào để góp phần xây dựng địa phương. Người dân bây giờ thường theo dõi cả quá trình đại biểu hoạt động trước đây đồng thời xem trình độ, tư cách đại biểu có xứng đáng đại diện cho dân không. Và tự quyết định bằng lá phiếu.  Nguyện vọng của người dân là muốn đất nước phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ tổ quốc, biến đảo, chống tham nhũng và phát huy dân chủ”.

Mỗi lá phiếu là quyền lợi và trách nhiệm của công dân. Bởi vậy, vào ngày 22 tháng 5 tới, việc cử tri sáng suốt lựa chọn người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp chính là minh chứng rõ nhất cho quyền công dân của một nước độc lập, tự do và dân chủ, phát huy tối đa quyền làm chủ của mình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác