Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long để duy trì thứ hạng phát triển bền vững của Việt Nam

(VOV5) -Trong khu vực, Việt Nam đứng thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Thái Lan về chỉ số phát triển bền vững.

Theo báo cáo từ Văn phòng Chính phủ, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2019 tăng 34 bậc so với năm 2016 và tăng 3 bậc so với năm 2018. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 54/162 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành công này có đóng góp lớn của các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cuộc làm việc của Tiểu ban kinh tế xã hội Đại hội Đảng XIII với 13 địa phương đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/7/2019 như một diễn đàn lớn để bàn và thảo luận các giải pháp để phát triển đồng bằng sông Cửu Long, góp phần duy trì thứ hạng phát triển bền vững của Việt Nam.

Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long để duy trì thứ hạng phát triển bền vững của Việt Nam - ảnh 1 Phát triển ĐBSCL để duy trì thứ hạng trong xếp hạng phát triển bền vững của Việt Nam

Trong khu vực, Việt Nam đứng thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Thái Lan về chỉ số phát triển bền vững. Đáng chú ý, trong các chỉ số xếp hạng cao của Việt Nam thì chỉ số về chống biến đổi khí hậu đạt kết quả khá ấn tượng. Cụ thể, chỉ số xóa đói giảm nghèo đạt 95 điểm và chỉ số chống biến đổi khí hậu đạt 94 điểm. Chỉ số giáo dục đạt 91 điểm và chỉ số tiếp cận năng lượng đạt 82 điểm. Từ trước đến nay, nếu như thế giới mới biết đến Việt Nam là một quốc gia rất thành công trong xóa đói giảm nghèo thì trong thời gian tới, thế giới còn có thể tiếp tục biết đến Việt Nam như là một quốc gia rất thành công trong chống biến đổi khí hậu.

Tầm nhìn mới cho đồng bằng sông Cửu Long

 Phát biểu tại cuộc làm việc của Tiểu ban kinh tế xã hội Đại hội Đảng XIII với 13 địa phương đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/7/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ của Chính phủ phải thành công trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, đem đến cho đồng bằng sông Cửu Long sự phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, bởi đây là vùng đất trù phú, là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam. Theo Thủ tướng, trong 5 năm qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; công nghiệp chế biến phát triển; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm thấp hơn mức bình quân cả nước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đã hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa có quy mô.

Về tầm nhìn đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Đồng bằng sông Cửu Long cần xác định được tầm nhìn của toàn vùng đến năm 2045 đặt trong tầm nhìn và chiến lược chung của cả nước đến năm 2045. Tầm nhìn đó cần hướng đến sự liên kết toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, phát triển nhanh, bền vững và có bước đột phá một số lĩnh vực. Chính vì thế phải có một số giải pháp đột phá cả về tư duy, hành động để đồng bằng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt đối với vùng. Chính vì vậy một số giải pháp lớn là khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng theo phương pháp tích hợp đa ngành với tư duy mới, tầm nhìn mới."

Ngay tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai, phối hợp với địa phương, bộ, ngành, chuyên gia, tư vấn trong và ngoài nước, dự kiến đến giữa năm 2020 trình thông qua Quy hoạch phát triển đồng bằng sông Cửu Long gắn với quy hoạch phát triển Thành phố Hồ Chí Minh,có giải pháp kết nối cùng có lợi và giải quyết được các vấn đề tiểu vùng đặt ra.

 Chính phủ dành quan tâm cho đồng bằng sông Cửu Long

Không chỉ dành tâm lực, trí lực mà lâu nay, Chính phủ còn dành rất nhiều nguồn lực cho sự phát triển đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phân bổ 45 nghìn tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD cho khu vực này trong 5 năm tới nhằm đẩy nhanh các dự án cấp bách dành riêng cho phát triển các hạ tầng quan trọng mang tính liên vùng, các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất và đời sống, các dự án giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt đối với sự phát triển vùng. Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn đầu tư công kế hoạch trung hạn tại đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 là gần 194 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 8,3 tỷ USD,  chủ yếu được đầu tư phát triển nông nghiệp, giao thông và y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của Chính phủ đối với vùng đồng bằng Sông Cửu Long: "Chính phủ xây dựng cơ chế điều phối vùng đủ mạnh, đủ thẩm quyền, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Không có nơi nào mà có đến 13 tỉnh, thành, dân số gần 20 triệu dân mà liên kết tạo ra sự phát triển tốt như thế mà chúng ta lại chưa làm tốt. Đừng để mạnh ai nấy làm. Cơ cấu cấu lại ngành nông nghiệp dựa trên công nghệ và hiệu quả cao, gắn chế biến và thị trường tiêu thụ. Xây dựng các chuỗi sản xuất, thương hiệu sản phẩm. Và cơ cấu nông nghiệp ấy gắn với biến đổi khí hậu của vùng với tinh thần thuận thiên, biến nguy thành cơ đã được thể hiện đối với đồng bằng sông Cửu Long. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành với các địa phương và bộ ngành về việc phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông, cả về đường bộ, đường sắt ở đồng bằng sông Cửu Long bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Các hạ tầng này vừa tạo liên kết vùng, vừa kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, bởi sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc nhiều vào Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Như vậy, một động lực mới mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã và đang đặt ra đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long là đổi mới sáng tạo, khát vọng dân tộc, khát vọng phát triển vùng để không thua kém bất cứ vùng miền nào của đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác