(VOV5) - Các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng cộng sản Việt Nam qua những thời kỳ khác nhau đã cho thấy sự phát triển cả về lý luận, nhận thức trên cơ sở tổng kết thực tiễn xây dựng kinh tế tập thể.
Tại Việt Nam, ngay từ rất sớm, Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm tới kinh tế tập thể, phát triển hợp tác xã. Ngày 11/4/1946, trong gian khó của những ngày đầu lập quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia hợp tác xã nông nghiệp. Người nhấn mạnh: “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có hợp tác xã”; “hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”. Thực tiễn 77 năm qua đã cho thấy: kinh tế tập thể luôn là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Ảnh minh họa Phát triển hợp tác xã nông nghiệp sạch tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: VOV |
Việt Nam hiện có hơn 29.000 hợp tác xã đăng ký hoạt động, thu hút gần 7 triệu thành viên là các hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn.
Những định hướng đúng đắn
Các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng cộng sản Việt Nam qua những thời kỳ khác nhau đã cho thấy sự phát triển cả về lý luận, nhận thức trên cơ sở tổng kết thực tiễn xây dựng kinh tế tập thể mà nòng cốt là hệ thống các hợp tác xã, phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước, xu thế chung của toàn cầu. Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Các Nghị quyết, định hướng lớn của Đảng đã được thể chế hóa thành pháp luật, trong đó có Luật Hợp tác xã năm 2012 tạo ra hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển của hợp tác xã, của kinh tế tập thể. Hiện nay, Quốc hội cùng với các đơn vị liên quan đang sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã và dự kiến sẽ thông qua trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Có thể thấy, chủ trương, chính sách và pháp luật đúng đắn, phù hợp đã, đang và sẽ thúc đẩy năng lực sáng tạo, đổi mới tư duy, ứng dụng công nghệ, đầu tư thích đáng cho kinh tế tập thể và Hợp tác xã. Từ đó, tạo ra không gian phát triển kinh tế rộng mở, tạo ra sản phẩm, của cải, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia. Kết quả là, ở Việt Nam, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã có nhiều hình thức hợp tác đa dạng (hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã...). Hơn 29.000 Hợp tác xã đang hoạt động là thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp khoảng 4% GDP cả nước.
Để kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân
Để kinh tế Hợp tác xã, kinh tế tập thể phát huy đúng vai trò là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, Bộ trưởng nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng câu chuyện nằm ở chỗ nhận thức từ cấp lãnh đạo cao nhất đến cấp dưới, như: lãnh đạo xã, phường, những người trực tiếp làm việc hằng ngày với nông nghiệp, nông dân" : Có lẽ chúng ta cần có chương trình hành động chung để đào tạo, nâng cao nhận thức cho thành viên các Hợp tác xã; tri thức hóa, nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo Hợp tác xã và tri thức hóa các thành viên là nông dân của Hợp tác xã. Chúng ta phải gắn kết với doanh nghiệp vào các vùng nguyên liệu để tạo ra một động lực mới, giúp người dân thấy rằng khi tham gia vào Hợp tác xã thì chi phí giảm đi, có thị trường ổn định, có thể tham gia vào chuỗi ngành hàng sản xuất.
Đài TNVN phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) thực hiện chương trình Tọa đàm với chủ đề: “Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới”. Ảnh: VOV
|
Trước những thách thức từ quy mô nhỏ, năng lực nội tại yếu, tính liên kết chưa cao của mô hình Hợp tác xã, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Bộ đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội khóa XV luật Hợp tác xã sửa đổi. Trong đó, quy định đồng bộ các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác;quy định đầy đủ 8 nhóm chính sách về phát triển kinh tế tập thể, như: chính sách về đất đai, vốn, tiếp cận thị trường, đặc biệt xử lý được 2 vấn đề quan trọng nhất của Hợp tác xã hiện nay là tiếp cận nguồn lực và phát triển nguồn nhân lực. Dự thảo Luật cũng sửa đổi các quy định theo hướng tháo gỡ tối đa rào cản quyền tự chủ, tự quyết của các doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng 3 đề án nhiệm vụ lớn, trong đó có: xây dựng chương trình tổng thể để phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc; trình Quốc hội thí điểm một số cơ chế chính sách để phát triển thành Liên đoàn Hợp tác xã nhằm gia tăng sức cạnh tranh quốc tế.
Nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là yếu tố quan trọng để phát triển mô hình kinh tế tập thể, trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân. Đề cập vấn đề này tại cuộc tọa đàm “Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới” do Đài Tiếng nói Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp tổ chức (ngày 6/4, tại Hà Nội), Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng cho biết: Đài Tiếng nói Việt Nam với vai trò là một trong những cơ quan báo chí chủ lực hàng đầu quốc gia sẽ thông tin rộng rãi tới công chúng qua các loại hình báo chí hiện có về những nội dung quan trọng của kinh tế tập thể, phát triển hợp tác xã nói chung; góp thêm tiếng nói vào việc xây dựng các giải pháp, sửa đổi các quy định của pháp luật. Đồng thời giải thích để xóa bỏ tâm lý hoài nghi, xuyên tạc, phủ nhận, thậm chí đòi xóa bỏ mô hình kinh tế tập thể mà một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí, thù địch đã đưa ra thời gian qua.
Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), đặt mục tiêu đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận.
Với những nỗ lực đang triển khai, kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn tới sẽ ngày càng đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế đất nước.