Phòng chống dịch COVID – 19: thích ứng để phát triển

(VOV5) - Hiện nay, mục tiêu là sống chung an toàn với dịch, khống chế số ca mắc và số ca tử vong thấp nhất có thể.

Thời gian qua, đại dịch COVID-19 diến biến nhanh, phức tạp, khiến cả hệ thống chính quyền phải vào cuộc. Các giải pháp ứng phó thay đổi liên tục, những giải pháp tình thế dần bớt đi, thay vào đó là những phương án có tình hiệu quả và bền vững. Những điều chỉnh này sẽ giúp Việt Nam quay trở lại lộ trình phát triển, khôi phục sản xuất, đảm bảo an sinh.

Việt Nam đã có nhiều cách làm để ứng phó với đại dịch COVID - 19. Nếu như trước đây, mục tiêu của Việt Nam là không có ca COVID-19 trong cộng đồng thì hiện nay, mục tiêu là sống chung an toàn với dịch, khống chế số ca mắc và số ca tử vong thấp nhất có thể; hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội. Từ mục tiêu này, các cấp chính quyền ở Việt Nam đang từng bước điều chỉnh cách chống dịch, khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phòng chống dịch COVID – 19: thích ứng để phát triển  - ảnh 1Điểm tiêm vaccine COVID-19 tại Cung thể thao Tiên Sơn, Đà Nẵng. Ảnh: VOV

Dập dứt điểm những ổ dịch,  phong tỏa hợp lý

Kiểm tra và làm việc với Thành phố Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn vào chiều 18/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: những khu vực đã an toàn thì từng bước mở lại các hoạt động kinh tế, đời sống một cách chắc chắn, an toàn. Theo Phó Thủ tướng đã an toàn thì không để hoạt động sản xuất, đời sống của người dân bị lỡ nhịp, vì sẽ lãng phí nguồn lực, công sức của Nhà nước, của nhân dân.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Kiên Giang, ngày 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Lấy phòng dịch là cơ bản, là lâu dài, là quyết định và chống dịch phải quyết liệt và dứt điểm, tư tưởng này phải thể hiện trong tổ chức thực hiện, tức là phòng dịch vẫn là cơ bản, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, "một đồng chống dịch hiệu quả thì không mất triệu đồng chống dịch, chưa kể chúng ta còn mất mát về các thứ khác và đặc biệt là về con người.”

Theo các chuyên gia y tế, do tỉ lệ tiêm vaccine trên phạm vi cả nước còn thấp nên vẫn cần áp dụng giải pháp giãn cách xã hội, phong tỏa ổ dịch một cách hợp lý. Ở một số tỉnh, thành còn nhiều ca nhiễm, để giảm thiểu sự tổn thất cho dân chúng, việc quản lý lây nhiễm đang từng bước thực hiện theo từng đơn vị nhỏ nhất có thể như một ngõ hẻm, một khu phố, thôn, tổ dân phố và cụm dân cư. Thay vì cách ly cả một phường, chính quyền chỉ lựa chọn số người, số hộ nhất định cần phong tỏa, cách ly khi có ca nhiễm.

Thực hiện nới lỏng giãn cách dựa trên việc kiểm soát dịch bệnh cũng như nhu cầu sản xuất-kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội của mỗi địa phương, không áp dụng một cách máy móc, đồng loạt.

Phòng chống dịch COVID – 19: thích ứng để phát triển  - ảnh 2Người dân "vùng xanh" Quận 7, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi được đi siêu thị một lần/tuần. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh phía Nam có nhiều ca mắc, áp dụng hướng đi này khi những vùng xanh, nơi tỷ lệ phát hiện ca dương tính cộng đồng giảm liên tiếp, không phát hiện ổ dịch mới, dân chúng sẽ được mở dần các hoạt động. Cứ sau ba ngày, các số liệu thống kê được tổng kết lại để xem xét nới lỏng tuần tiếp theo.

Mở cửa dần dần trở lại các hoạt động

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư tấn công vào cả 4 vùng Kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Đến ngày 19/9/2021, hơn 92% của tổng số ca mắc và 97% của tổng số ca tử vong thuộc các vùng kinh tế trọng điểm.

Trước diễn biến này, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đã chủ trì nhiều cuộc họp liên ngành, với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam không thể đóng cửa mãi, phải bắt đầu mở cửa dần dần trở lại, đồng thời thực hiện linh hoạt các biện pháp giãn cách. Đến hôm nay (20/9), nhiều địa phương đã thay đổi cách thức chống dịch, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, kinh doanh theo lộ trình. Đã có nhiều địa phương phía Nam, ngay tâm dịch như TP.HCM, mở cửa lại một số chợ đầu mối, đưa ra lộ trình thúc đẩy hoạt động kinh doanh, mở lại một số tuyến du lịch.

Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ: “Chúng ta không thể quét sạch F0 trong một thời gian nhất định và chúng ta cũng không thể thực hiện giãn cách nghiêm ngặt kéo dài mà chúng ta phải tính toán bằng những chiến lược đảm bảo an toàn. Mở an toàn, an toàn mới mở sản xuất kinh doanh các hoạt động khác. Để cho vừa đảm bảo được chống dịch vừa đảm bảo được sức khỏe của nền kinh tế.”

Việc bắt đầu mở cửa dần dần trở lại, theo cộng đồng doanh nghiệp, đây là một tín hiệu tốt vì lợi ích của doanh nghiệp, người lao động nói riêng và của đất nước nói chung. Tuy nhiên, nới lỏng nhưng vẫn phải an toàn, linh hoạt, thích ứng hơn với điều kiện mới. Đặc biệt, phải đẩy nhanh tiêm vaccine, tuân thủ nghiêm 5K, chủ động tích cực hơn ứng dụng công nghệ thông tin và dữ liệu trong phòng chống dịch.

Những giải pháp mà Việt Nam đang áp dụng, quyết liệt thực hiện là minh chứng cho lời khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi làm việc với Đại sứ các nước và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mới đây rằng: Việt Nam đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất có thể, để tiếp tục thúc đẩy phát triển 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác