(VOV5) - Đến nay, quan hệ Việt Nam và EU đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu, thể hiện qua hàng loạt chỉ số quan trọng.
Từ ngày 17-19/2/2022, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans thăm Việt Nam theo lời mời của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Văn Thành. Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp và cạnh tranh địa chiến lược toàn cầu ngày càng gay gắt, chuyến thăm với chương trình nghị sự gồm nhiều nội dung quan trọng, thêm một lần nữa cho thấy sự coi trọng của cả hai bên đối với việc thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam–EU ngày càng thực chất, hiệu quả.
Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn |
Tháng 6/2012, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA). Gần 10 năm qua, Việt Nam và EU không ngừng nỗ lực xây dựng và triển khai các giải pháp thực thi Hiệp định. Đến nay, quan hệ Việt Nam và EU đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu, thể hiện qua hàng loạt chỉ số quan trọng.
Đạt nhiều thành quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực
Về chính trị-ngoại giao, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhưng thời gian gần đây, hai bên vẫn duy trì tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp. Trong đó, tiếp xúc cấp cao có cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 (tháng 9/2021); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp xúc song phương với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Von der Leyen bên lề COP26 (tháng 11/2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức EU (tháng 9/2021).
Về kinh tế-thương mại, EU hiện là nhà viện trợ không hoàn lại lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 và nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU đạt 63,6 tỷ USD, tăng gần 15% so với năm 2020. Tính đến cuối năm 2021, có 25/27 nước EU đầu tư gần 22,5 tỷ USD vào Việt Nam trong gần 2.300 dự án đang còn hiệu lực. Giai đoạn 2014-2020, EU viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 400 triệu EURO và cam kết tài trợ 210 triệu EURO giai đoạn 2021-2024. Đáng chú ý, hai bên đã ký kết và triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam–EU (EVFTA), đặt dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ hai bên. Sau hơn một năm rưỡi triển khai (từ tháng 8/2020), EVFTA đã đưa Việt Nam từ đối tác thương mại lớn thứ 17 lên vị trí thứ 15 của EU, đồng thời trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong ASEAN.
Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans. Ảnh: baotainguyenvamoitruong.vn |
Bên cạnh đó, hai bên cũng tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ, y tế, tư pháp, giáo dục, năng lượng, chống biến đổi khí hậu và ứng phó thiên tai. EU đã và đang hỗ trợ triển khai một số dự án quan trọng như Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo; Chương trình “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải nhựa biển” giai đoạn 2021-2024; Chương trình Chuyển đổi năng lượng bền vững... Đặc biệt, EU là đối tác hỗ trợ Việt Nam số lượng lớn vaccine phòng Covid-19 trong thời gian qua. Theo đó, EU và các nước thành viên cam kết và hỗ trợ khoảng gần 40 triệu liều vaccine phòng Covid-19 thông qua các cơ chế COVAX, TEAM EUROPE và song phương, cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế khác.
Có thể khẳng định rằng, quan hệ Việt Nam-EU đã có những bước phát triển nhanh chóng, vững chắc trên hầu khắp các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục, khoa học công nghệ…. EU đã trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU
Những kết quả tích cực đạt được thời gian qua chính là nền tảng và động lực để Việt Nam và EU tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa hai bên ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Phó Chủ tịch điều hành EC Frans Timmermans có nhiều hoạt động quan trọng, trong đó có cuộc chào xã giao Thủ tướng Phạm Minh Chính; hội đàm với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng hàng loạt cuộc làm việc với lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Trước thềm chuyến thăm, hai bên đều bày tỏ sự coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, đặc biệt trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương… Trong đó, Việt Nam mong muốn EU và các nước thành viên sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA); sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và EU.