(VOV5) - Việc Việt Nam tham gia tích cực tại IPU 146 là biểu hiện cụ thể của ngoại giao nghị viện đa phương, của công tác đối ngoại Quốc hội.
Ngày 15/3, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 146 bế mạc tại thủ đô Manama của Bahrain sau 5 ngày họp (11- 15/3). Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn đã tham gia tích cực vào những hoạt động trong khuôn khổ IPU 146, khẳng định thông điệp thúc đẩy chung sống hòa bình trên thế giới.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp toàn thể Đại hội đồng IPU-146. Ảnh: TTXVN |
Quốc hội Việt Nam trở thành thành viên của IPU năm 1979. Trong hơn 40 năm qua, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và IPU đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Chung tay thúc đẩy một thế giới hòa bình
Tại IPU 146, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có bài phát biểu tại Phiên họp toàn thể Đại hội đồng. Ông nhấn mạnh Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình, có truyền thống khoan dung, nhân nghĩa, hòa hiếu. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Việt Nam đặc biệt trân trọng giá trị của hòa bình, ổn định, hữu nghị và nhận thức rõ hòa bình, phát triển của Việt Nam gắn chặt với hòa bình, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới. Việt Nam ủng hộ các sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới, ủng hộ việc thúc đẩy giải quyết các xung đột và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.
Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Vũ Hải Hà. Ảnh: quochoi.vn |
Với khát vọng về một thế giới hòa bình, phát triển và thịnh vượng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề xuất 4 ưu tiên với các Nghị viện thành viên của IPU. Trong đó có nỗ lực đề cao vai trò của việc tuân thủ và bảo đảm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc để góp phần ngăn chặn chiến tranh, xóa bỏ bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế; đảm bảo thực thi dân chủ, bình đẳng, không phân biệt đối xử về giới, về dân tộc, tôn giáo trên các lĩnh vực; đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu….
Ngoài phiên khai mạc, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng tham dự cuộc họp Nhóm địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương; tham gia họp Diễn đàn nữ nghị sĩ, tham dự các phiên họp toàn thể của Đại hội đồng, Hội đồng Điều hành, các Ủy ban Thường trực, Diễn đàn nghị sĩ trẻ… Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam còn có các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, gặp đại diện nghị viện một số quốc gia, như: Angola, Zambia, Bahrain, Hàn Quốc, Indonesia…
Đáng chú ý, tại cuộc gặp giữa Tổng Thư ký IPU Martin Chungong và Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Tổng Thư ký đánh giá cao năng lực của Quốc hội Việt Nam trong việc tổ chức các sự kiện có tầm cỡ quốc tế, nổi bật là Đại hội đồng IPU-132 tại Hà Nội năm 2015. Tổng Thư ký Martin Chungong khẳng định IPU sẵn sàng hỗ trợ Quốc hội Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị tương tự, mà sắp tới là Hội nghị nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9, tại Hà Nội vào tháng 9/2023. Dịp này, hai bên đã ký Thỏa thuận giữa Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký IPU về Phương thức tổ chức Hội nghị nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Những đóng góp của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại IPU 146 nói riêng và tại các diễn đàn đối ngoại Quốc hội đa phương từ trước tới nay đúng như khẳng định dưới đây của Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Vũ Hải Hà: “Hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương góp phần giải quyết hiệu quả các thách thức mang tính toàn cầu, khẳng định Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế và khu vực qua việc tham gia chủ động, tích cực vào các diễn đàn liên nghị viện mà Quốc hội Việt Nam là thành viên”.
Góp phần triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại của đất nước
Việc Việt Nam tham gia tích cực tại IPU 146 là biểu hiện cụ thể của ngoại giao nghị viện đa phương, của công tác đối ngoại Quốc hội, ngày càng khẳng định vị thế của ngoại giao nghị viện trong nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam. Kết quả đóng góp của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tiếp nối các hoạt động đối ngoại Quốc hội đa phương được triển khai đa dạng trong thời gian qua, trên tinh thần tiếp tục khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Trong thời gian tới, theo Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, trong đó chú trọng vị trí, vai trò đối ngoại Quốc hội trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam: “Thúc đẩy quan hệ với các nghị viện các nước đi vào chiều sâu. Đẩy mạnh ngoại giao nghị viện đa phương trên tinh thần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; phát huy vai trò của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương, các tổ chức khu vực và quốc tế, từng bước nâng cao vai trò nòng cốt, dẫn dắt, phù hợp với khả năng và điều kiện của đất nước”.
Đối ngoại Quốc hội đóng vai trò gắn kết giữa 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của ngoại giao Việt Nam. Việc Việt Nam đóng góp tích cực vào thành công của IPU 146 nói riêng và tại nhiều diễn đàn nghị viện đa phương từ trước đến nay nói chung đã cho thấy sự chủ động, tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu, đồng thời cũng góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước.