(VOV5) - Việt Nam không thể đóng cửa mãi, mà phải mở cửa để giải quyết việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam sau những tác động của dịch COVID - 19. Tận dụng tốt những lợi thế sẵn có sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng quay lại đà tăng trưởng. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đã phân tích, đưa ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 để Việt Nam phát triển bền vững.
Sống chung với dịch COVID-19 không chỉ là vấn đề về y tế mà còn liên quan tới cả cách thức vận hành nền kinh tế và mọi hoạt động của xã hội. Các đại biểu Quốc hội đã cùng góp ý để định hình, dự báo về tương lai sau đại dịch Covid-19 và có chiến lược, giải pháp phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn |
Sớm phục hồi kinh tế
Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp với những thay đổi khó lường, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đã lựa chọn sống chung với dịch bệnh. Để nền kinh tế phát triển ổn định, sớm phục hồi, đại biểu Lê Minh Hoan, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng cần xem xét đến tính tự chủ của nền kinh tế, có chính sách nâng cao sức chủ động, sức chống chịu, tính tự chủ của nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang. Ảnh tiengiang.vn |
Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, Chính phủ Việt Nam xác định 3 trọng tâm điều hành kinh tế trong thời gian tới. Đó là khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Việc xác định 3 trọng tâm này là rất đúng đắn trong tình hình khó khăn hiện nay nhưng quan trọng là cách làm, cách triển khai phải thật sự hiệu quả. Còn Đại biểu Trần Văn Lâm, đại biểu đoàn Bắc Giang, nhấn mạnh đến mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô: “Những chỉ số nền tảng căn bản của nền kinh tế chúng ta vẫn giữ, đó là ổn định vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, thu ngân sách vẫn vượt dự toán. Một số tín hiệu về xuất nhập vẫn tăng trưởng. Đây là tiền đề rất quan trọng cho việc phục hồi và tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm nay và giai đoạn sau. Trong thời gian tới, báo cáo Chính phủ đưa ra 12 giải pháp, về cơ bản là toàn diện, bao trùm, đúng trọng tâm, phù hợp với bối cảnh tình hình trong giai đoạn hiện nay. Tôi đánh gía cao việc Chính phủ xác định phải ưu tiên hàng đầu là giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là mục tiêu quan trọng nhất. chỉ có giữ được ổn định vĩ mô mới giữ được các thành quả của quá trình tăng trưởng, phát triển.”
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hải Phòng, cử tri, nhân dân cả nước đang mong đợi quyết sách về công tác phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Về chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cho biết: “Quốc hội, Chính phủ cũng đã bàn: tới đây sẽ có 1 chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế , xã hội. Trong quá trình thích ứng với dịch và cả thời kỳ hậu đại dịch thì 2 vấn đề đó rất quan trọng. Chắc chắn Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết nói rõ vấn đề này. Vấn đề quan trọng là điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ cho phù hợp, tăng tổng cầu, tổng cung, gắn với nguồn lực thực hiện.”
Sống chung an toàn với dịch
Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, việc đảm bảo an toàn về mặt y tế vẫn là ưu tiên hàng đầu, trong đó phải làm chủ được vaccine, phải đầu tư hệ thống y tế điều trị, y tế phục hồi... để thích ứng nhanh với các biến chủng mới. Về phòng chống dịch, cần đặt trọng tâm vào chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh, điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine.
Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, phát biểu: “Nếu duy trì chống dịch tốt thì sẽ phục hồi nhanh. Về các giải pháp năm 2022, vấn đề đi đầu là bao phủ vaccine. Sống chung an toàn với COVID -19 là phải có vaccine. Ngoài nguồn vaccine nhập khẩu, tôi nghĩ rất cần chủ động nguồn vaccine trong nước.Thứ 2 là chỉ đạo quyết liệt chống dịch thống nhất từ TW đến địa phương. Thứ ba là trong năm 2022 phải bổ sung thêm các nguồn lực cho doanh nghiệp, trước hết là có vốn cho doanh nghiệp để doanh nghiêp tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ. Ngoài ra Chính phủ có thể đặt hàng doanh nghiệp nhiều công trình về dịch vụ hậu cần, hoặc chuyển đổi số…”
Việt Nam không thể đóng cửa mãi, mà phải mở cửa để giải quyết việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022, khó khăn, thách thức do dịch COVID – 19 gây ra vẫn còn nhiều, song việc nhận thức rõ những khó khăn, có giải pháp linh hoạt cùng sự chung sức, đồng lòng, Việt Nam sẽ từng bước lấy lại nhịp độ tăng trưởng.