(VOV5) - Doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tốt các cơ hội từ thị trường khi dịch Covid-19 đã bước đầu được kiểm soát khiến nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu trên thế giới ngày càng tăng cao.
8 tháng năm 2022, xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn là điểm sáng của nền kinh tế, khi kim ngạch đạt gần 500 tỷ USD, góp phần đạt thặng dư thương mại lên 5,49 tỷ USD. Bên cạnh các thủ tục hành chính thuận lợi, kết quả này là sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Những tháng cuối năm, dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu đang tăng tốc, nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh: qdnd.vn
|
Đánh giá về kết quả xuất nhập khẩu 8 tháng năm 2022, Bộ Công Thương cho rằng kim ngạch xuất khẩu đã có sự hồi phục mạnh mẽ, trong đó, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… đều đạt mức tăng trên 2 con số, giúp hàng hóa của Việt Nam nâng cao được vị thế và khả năng đáp ứng trong các chuỗi giá trị.
Chủ động từ doanh nghiệp
Phải nói rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tốt các cơ hội từ thị trường khi dịch Covid-19 đã bước đầu được kiểm soát khiến nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu trên thế giới ngày càng tăng cao. Việc Việt Nam tiếp tục xuất siêu trong 8 tháng của năm 2022 là kết quả rất tích cực của hoạt động ngoại thương Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong lĩnh vực may mặc, ngành dệt may xuất siêu hơn 12 tỷ USD. Trong bối cảnh một số nước vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: "Tháng cuối năm nay, đứng trước những thách thức của thị trường, chi phí đầu vào tăng nên các doanh nghiệp của ngành dệt may Việt Nam đã đưa ra mục tiêu năm nay phải giữ được ổn định và phát triển của doanh nghiệp để giữ người lao động và giữ được thị trường, giữ được khách hàng. Đấy là mục tiêu số một. Thứ hai là doanh nghiệp cũng hạn chế tối đa tăng chi phí tác động đến hiệu quả của doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất, mục tiêu số ba, là làm sao vẫn có một phần lợi nhuận để lo lương thưởng cho người lao động. Có như vậy, chúng ta mới có đà để thực hiện mục tiêu 2023 đặt ra cho ngành dệt may Việt Nam".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. Ảnh: baochinhphu.vn
|
Đối với ngành da giày, một ngành xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, cho biết đến thời điểm này, lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ngành da giày tận dụng tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để những tháng cuối năm, các doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn, duy trì tốc độ xuất khẩu.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, chia sẻ: "Chúng tôi cố gắng đạt kế hoạch xuất khẩu khoảng 23 - 25 tỷ USD, tuy nhiên, để cạnh tranh trong thời gian sắp tới, cần phải nâng cao giá trị của mặt hàng. Chúng ta cần những nguồn nguyên liệu có giá trị cao từ các nước. Với các thế mạnh của Hiệp định FTA thì chúng tôi mong muốn tận dụng tốt được các cơ hội nhập khẩu từ các thị trường này, đặc biệt là thị trường EU có nguồn nguyên phụ liệu có giá trị cao để chúng ta có thể sản xuất mặt hàng giày dép ở mức độ cao hơn cũng như có thể nhập khẩu được những công nghệ thiết bị mới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi mà chúng ta đều phải hướng tới sản xuất bền vững và sử dụng những công nghệ xanh sạch thì cần phải khai thác được tiềm năng của các thị trường này để phục vụ đổi mới công nghệ".
Hỗ trợ thông tin, tăng cường xúc tiến xuất khẩu
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Việt Nam tiếp tục xuất siêu trong 8 tháng của năm 2022 là kết quả rất tích cực của hoạt động ngoại thương Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: "Những mặt hàng có kim ngạch lớn như nông sản, dệt may, giày dép đều là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hiện nay, những mặt hàng đó đều phụ thuộc vào yêu cầu của thị trường, trước tình trạng nhu cầu đang giảm sút cho một số thị trường thì nhiệm vụ của chúng ta là cố gắng khai thác đầy đủ tất cả các thị trường đồng thời giải tỏa các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp. Làm được tất cả thì hy vọng là chúng ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm".
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, như các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận xuất xứ (C/O)…Đồng thời, Bộ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.
Nếu duy trì tốc độ như 8 tháng qua, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2022 của Việt Nam có thể sẽ đạt hơn 740 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, tạo thuận lợi cho việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế cả năm.