Sửa đổi Bộ luật Dân sự để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân

(VOV5) - Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tiếp tục được đưa ra thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Đây là đạo luật quan trọng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của người dân. 


Bộ luật Dân sự do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác. Bộ luật Dân sự có nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, góp phần tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân.


Tăng cường đảm bảo quyền lợi của công dân

Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật này thể chế hóa đầy đủ và cụ thể, tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự. Đồng thời tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các chủ thể, đặc biệt, bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự. Ông Trương Thái Hiền, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, đánh giá:“Dự thảo Bộ luật Dân sự lần này đã đưa nhiều chế định mới, tiến bộ. Bộ luật lần này điều chỉnh các mối quan hệ dân sự trên cơ sở dân chủ, nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm giữa các chủ thể, hạn chế tối đa sự việc hành chính của các cơ quan Nhà nước vào các giao dịch dân sự, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”.

Sửa đổi Bộ luật Dân sự để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân - ảnh 1
Đại biểu QH tỉnh Lào Cai phát biểu ý kiến tại Hội trường. Ảnh: ANH TUẤN


Trong Hiến pháp có một chương quy định về quyền con người. Cho nên các luật khác phải phù hợp với tinh thần Hiến pháp mới 2013. Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này cũng đi theo xu thế đó, bám sát, phù hợp với Hiến pháp mới 2013. Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng:“Trong Bộ Luật Dân sự này đã thể hiện được rõ quyền của công dân. Những quyền lợi chính đáng củai công dân Việt Nam đều được bảo vệ mọi lúc, mọi nơi, Nhà nước bảo vệ, tòa án bảo vệ. Rõ ràng là đúng với tinh thần của Hiến pháp là Nhà nước của dân, do dân và vì dân”.

Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Nhà nước bảo vệ tất cả quyền lợi ích chính đáng của nhân dân. Cái gì dân yêu cầu chính đáng thì phải được các cơ quan chức năng giải quyết. 


Bước tiến mới, phù hợp với luật pháp quốc tế

Bộ Luật Dân sự là một đạo luật quan trọng của mỗi quốc gia. Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay thì Bộ luật Dân sự không chỉ dành cho người Việt Nam mà còn dành cho công dân người nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy, Bộ luật này phải phù hợp với các công ước quốc tế, pháp luật và thông lệ quốc tế. Về kinh nghiệm quốc tế, ở nhiều nước quy định tòa án không được từ chối giải quyết các vụ, việc dân sự kể cả trong trường hợp chưa có quy định của luật. Về vấn đề này, ông Đinh Xuân Thảo, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho biết Việt Nam tất yếu đi theo xu thế này:“Trong quan hệ dân sự ưu tiên hàng đầu là hai bên tự thỏa thuận với nhau. Còn nếu hai bên tự hòa giải không được thì phải ra tòa án. Trong dự thảo Bộ Luật Dân sự lần này, đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc tòa án không được từ chối, không tiếp nhận đơn hay yêu cầu của đương sự về việc giải quyết vụ việc dân sự với lý do là chưa có pháp luật quy định hoặc là không có pháp luật ”.

Sửa đổi Bộ luật Dân sự để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân - ảnh 2
Ông Đinh Xuân Thảo


Chế định được coi là nòng cốt của Bộ luật Dân sự đó là tài sản và quyền sở hữu, có thêm điểm mới. Riêng về tài sản, dự thảo Bộ luật bổ sung quy định tài sản bao gồm bất động sản và động sản; tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác. Các thông tin về tài sản đã đăng ký phải được công khai. Bên cạnh đó,   Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, bổ sung làm rõ quy định đối với hợp đồng, thừa kế, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo hướng tiếp thu có chọn lọc các tiêu chuẩn, chuẩn mực pháp lý chung đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi. Ông Lê Đắc Lâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Tòa án điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp các bên khi hoàn cảnh thay đổi mà không phải do một hay các bên gây ra. Tòa án đảm bảo sự bình đẳng cho các chủ thể khi cam kết hợp đồng dân sự chẳng may có sự thay đổi về hoàn cảnh. Nhà nước phải can thiệp bằng quy định pháp luật và tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết duy trì lợi ích các bên”.



Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Các vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật bao gồm: Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân của cá nhân; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; thời hiệu về thừa kế; các hình thức sở hữu.

Bộ luật Dân sự là bộ luật lớn, cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Việc sửa đổi hơn 200 điều của Bộ luật Dân sự là cần thiết, bảo đảm quyền lợi của nhân dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phục vụ cho sự phát triển của đất nước cũng như theo kịp quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác