Sửa đổi Luật Báo chí nhằm cụ thể hóa tinh thần và nội dung Hiến pháp 2013

(VOV5) - Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) được đưa ra thảo luận cho ý kiến. Việc sửa đổi Luật Báo chí nhằm cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, đồng thời tạo khung pháp lý để báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng, đúng pháp luật. 


Sửa đổi Luật Báo chí nhằm cụ thể hóa tinh thần và nội dung Hiến pháp 2013 - ảnh 1
Tính đến cuối năm /2014, Việt Nam có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm báo chí 

Luật báo chí ban hành năm 1989, sửa đổi bổ sung năm 1999. Đến nay sau 16 năm thi hành, Luật Báo chí đã bộc lộ những bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời những nảy sinh trong thực tiễn hoạt động báo chí, chưa phát huy được hiệu lực và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí giai đoạn hiện nay. Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo. Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật báo chí hiện hành. 

Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013


Điểm mới của Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) so với Luật Báo chí hiện hành là bổ sung thêm 1 chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013. Có thể thấy bao trùm lên Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này là quyền tự do báo chí được thể hiện rất rõ. Về quyền tự do báo chí, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) bổ sung một số quy định mới như: Công dân có quyền  tham gia hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật và được nhà nước bảo hộ; nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà Nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ cho việc thông tin trên báo chí. Ông Hà Minh Huệ, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho rằng: “Điều quan tâm nhất của dư luận xã hội là Luật phải đảm bảo cụ thể thể chế hóa Hiến pháp năm 2013. Cụ thể ở đây là tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân. Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình Luật phải có điều khoản để người dân được tham gia hoạt động báo chí, thể hiện quan điểm của mình".


Quyền tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người, được thể hiện trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị của Liên hiệp quốc. Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các nguyên tắc thực hiện quyền tự do báo chí. Hiến pháp năm 2013 quy định nguyên tắc “các quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật”. Do vậy việc sửa đổi Luật Báo chí trong điều kiện hiện nay là cần thiết. Ông Đỗ Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, góp ý: "Theo tinh thần hiến pháp năm 2013, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được khẳng định và lần này Luật cụ thể hóa quyền này. Theo tôi, tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng phải tuân theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Không được phép sử dụng, hoặc lạm dụng quyền này để làm phương hại đến lợi ích quốc gia đến lợi ích dân tộc hoặc là lợi ích của người khác".

Việc Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) quy định báo chí, nhà báo, công dân có quyền tiếp cận thông tin, biểu đạt thông tin, tham gia giám sát, phản biện xã hội cũng để đảm bảo thực hiện quyền của công dân theo Hiến pháp năm 2013. 

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với báo chí 


Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác tuyên truyền báo chí, coi báo chí là “công cụ sắc bén trong công tác tư tưởng của Đảng”, là “lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa”. Sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước định hướng thông tin, tuyên truyền của báo chí, đồng thời tạo điều kiện để báo chí thực hiện tốt hơn vai trò, nhiệm vụ của mình đối với xã hội. Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho biết: "Báo chí Việt Nam là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền quan trọng của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân. Do đó, báo chí cần đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, Nhà nước. Luật Báo chí phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí".


Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi theo hướng tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước theo phương châm phát triển đi đôi với quản lý tốt. 


Luật Báo chí là một trong những Luật quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tác động mạnh mẽ tới chính trị, đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Những sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí lần này khá toàn diện, kịp thời, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển hoạt động báo chí trong tình hình mới, đồng thời cụ thể hóa tinh thần, nội dung Hiến pháp năm 2013. 

Phản hồi

Các tin/bài khác